Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

08:19, 27/12/2024

Theo dự báo của các ngành chức năng, dịp tiêu dùng cuối năm nay sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến cho một số mặt hàng tiêu dùng khan hiếm hơn; thời điểm lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết âm lịch sát gần nhau nên sức mua của người dân cũng sẽ diễn ra nhanh, dồn dập trong thời gian ngắn. Để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương đã chủ động lên phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; đồng thời sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu hàng hóa, triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết nguồn hàng để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, tăng giá sản phẩm...

Công ty Dịch vụ thương mại Nghĩa Hưng tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Công ty Dịch vụ thương mại Nghĩa Hưng tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.

Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ dịp Tết Nguyên đán như mứt tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Đối chiếu với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong tỉnh thì đa phần nguồn nông sản như lương thực, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo trong tỉnh sản xuất đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và còn có khả năng cung ứng được cho nhiều tỉnh khác trong khu vực và trên toàn quốc. Do đó, ngay từ tháng 9/2024, Sở Công Thương tổ chức khảo sát thị trường và đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, thực hiện chương trình kết nối cung - cầu; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở cung ứng những mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp sản xuất chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng để thực hiện kế hoạch sản xuất, tăng lượng cung hàng hóa cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với giá hợp lý; cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã hàng hoá, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường, trên cơ sở đó có kế hoạch khai thác các nguồn hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát, văn hoá phẩm, quần áo may sẵn, chú trọng việc khai thác nguồn hàng lương thực thực phẩm tại địa phương với hệ thống đại lý, hợp tác xã và hộ nông dân..., kiểm soát chặt chẽ yếu tố đầu vào, tiết kiệm chi phí lưu thông, giảm bớt các khâu trung gian. Việc cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm kinh doanh, bố trí tổ chức các hội chợ, chợ hoa, điểm bán hàng phục vụ Tết…

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai phương án kết nối với các nguồn cung, đàm phán với nhà cung cấp để bảo đảm về mặt số lượng, giá cả, sẵn sàng tăng sản lượng hàng hóa 10-20% so với dịp Tết Nguyên đán 2024 và 50% so với ngày thường. Tại các Siêu thị GO! (thành phố Nam Định), Lan Chi Mart (Giao Thủy), The CITY (Nam Trực)…, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã gần như hoàn tất. Ngay trong kế hoạch 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã tìm kiếm nguồn hàng, thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng hóa tăng 30% so với năm trước để giữ giá bình ổn và lựa chọn được nhiều ưu đãi từ phía nhà cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh chuẩn bị lượng hàng hóa với giá ổn định, các siêu thị tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cho người tiêu dùng trong dịp Tết. Hàng hóa và chương trình khuyến mại được chia thành 3 giai đoạn trọng điểm (trước, trong và sau Tết Nguyên đán) bắt đầu từ cuối tháng 12/2024 đến hết tháng 2/2025. Theo đó thời điểm trước tết nhóm hàng hóa được ưu tiên là bánh mứt kẹo, dầu ăn, đồ khô, giỏ quà tặng và thiết bị gia dụng; thời điểm áp Tết là bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm chế biến sẵn, rau xanh, thủy hải sản, hoa quả, đặc sản vùng miền, giỏ quà tết và sau tết là rau xanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ chơi, hàng tiêu dùng từng nhóm hàng hóa và mức chiết khấu phù hợp với từng thời điểm và đặc thù tiêu dùng của nhân dân với hình thức khuyến mại đa dạng. Tại các cửa hàng Winmart+, MinMart; hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, cơ cấu các mặt hàng đã có sự thay đổi rõ rệt so với những tháng trước, tăng cường bày bán các sản phẩm phục vụ tiêu dùng dịp Tết như miến, măng, mộc nhĩ, bánh đa nem, dầu ăn, các loại gia vị, giấy ăn, bánh kẹo, bia, nước giải khát, các loại hạt khô và đặc biệt ưu tiên cho các sản phẩm OCOP của các vùng miền trên cả nước… Đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng sử dụng trải nghiệm sản phẩm có nhu cầu cao dịp Tết, các cửa hàng này đều đã và đang áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá trực tiếp từ 20-50%, hay “mua 2 tặng 1” và ưu đãi khi mua bán, thanh toán trực tuyến… Tại các chợ dân sinh, các tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở các chợ truyền thống hay các hộ kinh doanh thời vụ Tết cũng đang tích cực chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu để đưa ra tiêu thụ trong dịp tết. 

Cùng với công tác điều tiết chuẩn bị hàng hóa, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Nam Định tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, giữ bình ổn thị trường. Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng theo kế hoạch sản xuất, tăng lượng cung hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn tình trạng các nhà phân phối, đại lý găm hàng, nâng giá tạo thiếu hàng, sốt giá giả tạo gây thiệt hại cho người tiêu dùng, bất ổn thị trường.

Thị trường tiêu dùng Tết Nguyên đán là cơ hội đưa hàng hóa ra thị trường, tăng trưởng doanh thu lớn trong năm của hầu hết các nhóm hàng, các cơ sở kinh doạnh. Với phương châm huy động tối đa các kênh bán hàng và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn, nên lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay khá dồi dào, đa dạng về chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, giá bán hợp lý, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com