Xây dựng chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn

08:38, 04/11/2024

Trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch và an toàn, việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực cùng chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu tại xã Trung Nghĩa (Ý Yên).
Mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu tại xã Trung Nghĩa (Ý Yên).

Nền nông nghiệp Nam Định đã và đang phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng măng tây và rau các loại của HTX Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy); mô hình trồng rau màu các loại của HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, thị trấn Giao Thủy (Giao Thủy); mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP tại xã Hồng Quang và lúa - cá tại các xã Yên Khánh, Yên Chính (Ý Yên)… Bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ như: sản xuất lúa - rươi của Công ty TNHH Toản Xuân, sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân; sản xuất rau các loại tại xã Yên Cường (Ý Yên); sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Liêm Hải (Trực Ninh), Xuân Hồng (Xuân Trường)... Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét, tích cực về quy mô, phương thức với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trang trại chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi xanh theo hướng hữu cơ. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn thảo dược của trang trại chăn nuôi Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh); Công ty TNHH Công Phượng, xã Hải Xuân (Hải Hậu), HTX chăn nuôi gà Phú Nghĩa, xã Trung Nghĩa (Ý Yên). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung, chuyển đổi từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ đổi mới hình thức sản xuất, những năm qua, sản xuất nông nghiệp Nam Định liên tục có mức tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng ổn định từ 2,5-3,2%/năm. Bình quân mỗi năm, sản lượng nông sản chủ lực của tỉnh đạt gần 1 triệu tấn thóc, 360 tấn rau màu; 186 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng; 180 nghìn tấn thủy sản… qua đó đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và còn có nhiều tiềm năng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tạo sự khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và lợi ích của người dân cũng như đơn vị kinh doanh. Sở NN và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ động thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; hướng dẫn nhân rộng và mở rộng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn và số điểm bán sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, phát triển được 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; trong đó có 15 chuỗi thủy sản, 14 chuỗi sản phẩm trồng trọt, 3 chuỗi sản xuất chế biến các loại muối, 10 chuỗi các sản phẩm chăn nuôi. Điển hình là các chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô trên 500ha; sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Danh với công suất 5.000 con/ngày; sản xuất, chế biến ngao sạch xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam với vùng nguyên liệu khoảng 1.500ha; chế biến tiêu thụ nông sản sấy Minh Dương với quy mô 200ha... 

Sở NN và PTNT đã hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch thành lập và đẩy mạnh hoạt động; đầu tư và đưa vào vận hành có hiệu quả Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh để tạo kênh chính thống kết nối sản phẩm nông nghiệp an toàn với người tiêu dùng. Hiện Hiệp hội đã hình thành hệ thống chuỗi hơn 115 cửa hàng tiện ích kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn toàn tỉnh và thiết lập được kênh phân phối  thường xuyên tại trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi đã nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, có gần 600 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đã chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, giám sát tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản thông qua các chương trình giám sát chủ động, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về an toàn thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Các chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm đa phần chưa bền vững do tiềm lực của các tác nhân tham gia yếu, không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tham gia dẫn dắt. Nhiều cơ sở còn thiếu kiến thức về thị trường, thương mại nên việc tổ chức sản xuất gắn với thị trường có nhiều khó khăn; các cơ sở chủ yếu sản xuất thứ mình có thể, rất ít cơ sở quan tâm đến yêu cầu thoả mãn nhu cầu thị trường ngay từ khi bắt đầu sản xuất; việc đàm phán, ký kết hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, không đảm bảo hài hoà lợi ích các bên và thiếu bền vững. Sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng không lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều nên chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều nhân tố trung gian làm tăng chi phí cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng và vẫn chủ yếu sử dụng kênh tiêu thụ truyền thống.

Để xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, thời gian tới Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục định hướng, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chủ động hướng dẫn các địa phương nhân rộng và mở rộng chuỗi cung cấp nông sản an toàn, triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, các sản phẩm đưa ra thị trường tuân thủ các quy định về bao bì, nhãn mác và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản với nhiều hình thức như: hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ thương mại; phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tổ chức tiêu thụ nông sản an toàn trên các trang bán hàng điện tử, mạng xã hội.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com