Phát triển sản phẩm OCOP ở Ý Yên: Khơi dậy tiềm năng, chinh phục thị trường

08:15, 22/11/2024

Huyện Ý Yên, vùng đất giàu truyền thống với đa dạng sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc sắc, đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây không chỉ là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn mà còn là động lực tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Công ty TNHH Kim Giang, xã Yên Khang có nhiều sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận OCOP.
Công ty TNHH Kim Giang, xã Yên Khang có nhiều sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận OCOP.

Sau nhiều năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ý Yên đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, các mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông sản, thực phẩm theo hướng an toàn. Những điểm sáng tiêu biểu góp phần tạo nền tảng vững chắc cho chương trình OCOP như các mô hình: sản xuất rau, củ, quả hữu cơ tại xã Yên Lương; sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Cường; sản xuất rau sạch tại xã Yên Dương; liên kết sản xuất các giống lúa có chất lượng cao Bắc thơm 7, ST 25, Lộc trời 183 tại các xã Yên Ninh, Yên Lương, Yên Thắng, Yên Lộc… Đặc biệt, Ý Yên là “đất nghề” với nhiều làng nghề nổi tiếng như: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm; thêu ren, làm nón xã Trung Nghĩa… Những sản phẩm từ các làng nghề này không chỉ giữ gìn tinh hoa văn hoá truyền thống mà còn được phát triển thành các sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2024, Ý Yên tiếp tục ghi dấu ấn khi có thêm 10 sản phẩm từ 7 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 41 sản phẩm. Trong đó, có 14 sản phẩm là của HTX, 10 sản phẩm của doanh nghiệp và 17 sản phẩm của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Hầu hết các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều là những nông sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng của các địa phương như: “Dầu vừng nguyên chất Thuận Hồng”, “Lạc nhân sen Thuận Hồng” của hộ kinh doanh Trần Văn Thuận, xã Yên Dương; “Dầu lạc nguyên chất An Nhiên” và “Dầu vừng nguyên chất An Nhiên” của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dũng xã Yên Cường; “Bột sắn Tiệp Oanh” của hộ kinh doanh Phan Thị Oanh, xã Yên Thắng; “Trứng gà”  của HTX chăn nuôi Phú Nghĩa, xã Trung Nghĩa; “Viên nghệ mật ong đông trùng hạ thảo CORDYRIC” của HTX nông nghiệp xanh CORDY, xã Yên Thọ; “Bát tre Kim Giang” của Công ty TNHH Kim Giang, xã Yên Khang… Đặc biệt là các sản phẩm OCOP 4 sao về gạo là “Gạo sạch Toản Xuân”, “Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 888”, “Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999” của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương.

Để Chương trình OCOP ngày càng lan tỏa, huyện Ý Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện tập trung vào việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP; vận động doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm cho các địa phương; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm đảm bảo chất lượng sản phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hàng năm Hội đồng OCOP huyện tổ chức các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; căn cứ hồ sơ của từng sản phẩm để chấm điểm đánh giá. Sau khi có kết quả đánh giá của Hội đồng OCOP huyện, UBND huyện sẽ ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá phân hạng đối với các sản phẩm đạt 3 sao và đề nghị UBND tỉnh đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm đạt điểm tương đương 4 sao trở lên.

Cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Ý Yên còn phối hợp cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, bán hàng tại các gian hàng ở các phiên chợ, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ đăng tải thông tin trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn; trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok; trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Shopee… và bán hàng qua livestream.

Đánh giá về tác động của Chương trình OCOP, đồng chí Vũ Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có nhiều tác động tới đời sống, nhận thức của các tổ chức kinh tế, người dân địa phương và kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn huyện. Nhận thức của cán bộ và người dân Ý Yên về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP dần được hình thành; nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế vững chắc trên thị trường. Mặt khác, công tác tuyên truyền liên tục và theo chiều sâu đã tác động tốt đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ và doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, chủ trang trại, từ đó thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với sản phẩm OCOP. Các chủ thể có sản phẩm đã được phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có khả năng tiếp cận với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các mối liên kết, nhà đầu tư và đối tác, các chương trình hỗ trợ chuyên đề của các cấp chính quyền cả về vật chất và kỹ thuật nhằm hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm góp phần tăng thu nhập và đời sống cho người dân.

Tích cực thực hiện Chương trình OCOP, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể sản xuất ở địa phương trong phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu theo đặc trưng vùng miền, tiếp thêm động lực thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với hình thành chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân đã và đang giúp huyện Ý Yên vươn đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công chương trình NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình OCOP vào các nghị quyết của đại hội đảng các cấp, chương trình hành động và kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng về quan điểm, định hướng Chương trình OCOP, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Tiếp tục ban hành các chính sách để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, trên cơ sở phát huy được điều kiện, lợi thế để nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất. Tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch của địa phương và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com