Trong những năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, từ đó giúp nông dân tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình hợp tác xã tiêu biểu của hội viên nông dân thị trấn Cồn (Hải Hậu). |
HND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Liên minh Hợp tác xã tỉnh về thực hiện mục tiêu 15 nghìn HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Phối hợp với Sở NN và PTNT ký kết chương trình phối hợp về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 3/4/2024 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "HND Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Nam Định. HND các cấp đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu; tập trung bồi dưỡng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín để xây dựng các mô hình và là đầu mối để liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX. HND tỉnh tổ chức 51 hội nghị tuyên truyền về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa cho hàng nghìn hội viên nông dân là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thành viên chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất theo chuỗi cho trên 500 cán bộ, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. HND các cấp đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; vận động hội viên nông dân thuê gom tích tụ ruộng đất liên kết với các công ty sản xuất theo chuỗi.
Kết quả, từ năm 2017 đến nay, Hội đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 15 mô hình HTX và 175 mô hình tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 213 mô hình với trên 2.700 thành viên tham gia. Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, đã gắn kết nông dân với nông dân để cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, góp phần hình thành trên 39 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản của Công ty Hùng Vương… HND các cấp đã trực tiếp triển khai xây dựng được 11 mô hình liên kết, tiêu biểu như: “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1 HN88, hỗ trợ củng cố HTX” với quy mô 18ha tại xã Thành Lợi (Vụ Bản); “Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường); “Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Trung Nghĩa (Ý Yên); “Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ và củng cố HTX” tại xã Hải Hưng (Hải Hậu); “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, HTX” tại xã Thành Lợi (Vụ Bản)... Các cấp Hội cũng đã vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 431 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Cùng với đó, các hộ nông dân đã tham gia xây dựng 399 “Cánh đồng lớn” với diện tích 18.599ha; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. HND đóng vai trò là trung tâm để kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Các cấp HND trong tỉnh còn chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; hướng dẫn cơ sở lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 162 mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, từ đó phát triển thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới. Ngoài ra, HND tỉnh còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh duy trì tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp. Đã có hàng trăm ý tưởng, sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp của các tập thể, cá nhân đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu; nhiều cá nhân, tập thể có ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo được hiện thực hóa và khởi nghiệp thành công, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đối với hội viên nông dân, phụ nữ và thành viên các HTX trong tỉnh.
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia và phát triển đa dạng các mô hình tổ hợp tác, HTX với phương châm “bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở những tổ chức kinh tế tập thể có điều kiện, góp phần phát triển về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế tập thể một cách bền vững, hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 100% cơ sở Hội xây dựng được ít nhất 1 tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động có hiệu quả; 100% các huyện, thành Hội phối hợp xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cho sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đồng thời liên kết tổ chức các điểm bán hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin