Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương về các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 157/161 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 97,5%) và 41/146 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 28,1%). Huyện Giao Thủy được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao; vượt mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Thực hiện phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, môi trường nông thôn mới xã Trực Tuấn (Trực Ninh) ngày càng xanh - sạch - đẹp. |
Thành công này là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nâng cao các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí môi trường - một thách thức lớn và cũng là điểm nhấn trong hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp. Không chỉ mang lại môi trường, điều kiện sống tốt hơn cho người dân mà còn khai thác được các giá trị kinh tế từ các chức năng môi trường, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn, từng bước phát triển thành ngành kinh tế du lịch sinh thái đem lại thu nhập cho người dân và bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện hài hòa bền vững với thiên nhiên vì các thế hệ tương lai.
Lan tỏa phong trào xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp
Nam Định đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các đoàn thể nhân dân trong việc quán triệt, triển khai, tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về bảo vệ môi trường từng bước được thay đổi theo hướng tích cực như giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế xả rác thải, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Cuộc vận động “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác” đã huy động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện. Trong đó, hiệu quả lớn là mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn với các ưu thế như chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện. Các huyện có bố trí kinh phí hỗ trợ hộ dân triển khai; áp dụng một số phương pháp phân chia riêng 2 loại rác vô cơ, hữu cơ vào dụng cụ chứa rác khác nhau để thu gom, xử lý (trong đó rác hữu cơ được xử lý thành phân bón hoặc làm thức ăn cho vật nuôi...). Trong điều kiện kinh phí đầu tư cho xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại còn hạn chế, khối lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện từ đầu năm 2020 nhằm giảm bớt khối lượng rác phải đưa vào cơ sở xử lý tập trung đã cho kết quả vượt xa kỳ vọng ban đầu. Hiện nay, 100% xã, thị trấn trên toàn tỉnh đã thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Thực tế cho thấy công tác phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình giúp giảm thiểu được 30-50% tổng lượng rác đưa về khu xử lý rác thải tập trung, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp, nâng cao hiệu quả tại các lò đốt rác thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 68,1%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 98%.
Không ít sáng kiến tiêu biểu, độc đáo ở các địa phương đã tiếp tục tạo điểm nhấn, trở thành các mô hình điểm về phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như: Mô hình biến rác thành tài nguyên tại các xã, thị trấn: Cồn, Hải Châu (Hải Hậu), Nam Cường (Nam Trực), Thọ Nghiệp (Xuân Trường) với việc người dân tận dụng rác hữu cơ tái chế làm phân bón, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch. Mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu của kinh tế tuần hoàn do Hợp tác xã Nam Cường (Ý Yên) dẫn đầu với việc thu gom, phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành phân compost phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ và bán cho người trồng hoa, cây cảnh tạo lợi nhuận kép. Mô hình tái sử dụng các vật liệu đã qua sử dụng/thải bỏ như lốp xe ô tô, chai nhựa, túi ni lông các màu để tô điểm, tạo cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm tại các xã Mỹ Lộc (thành phố Nam Định), xã Cộng Hòa (Vụ Bản).
Tô điểm làng quê bằng sắc màu thiên nhiên và văn hóa bản địa
Đặc biệt, phong trào trồng hoa, cây bóng mát bên lề đường trục xã, thôn, xóm đã tạo nên 2.605 tuyến đường hoa dài 2.775km, biến làng quê Nam Định thành những bức tranh yên bình, rực rỡ sắc màu.
Cùng với xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan ở các làng quê, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề đã được các ngành, địa phương quan tâm từ đó kết nối, thiết lập, phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa làng nghề thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp “không khói”, đem lại thu nhập ổn định cho người dân và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện hài hòa bền vững với thiên nhiên. Nam Định có 142 làng nghề và làng có nghề, trong đó 80 làng đã được công nhận. Hiện nay, hoạt động du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông nghiệp nông thôn đã hình thành, phát triển chủ yếu tại các huyện Giao Thủy (mô hình du lịch cộng đồng tại HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân, HTX du lịch Khang Tường, du lịch trải nghiệm Bảo tàng Đồng quê), Hải Hậu (mô hình du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu) và Vụ Bản (mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái núi Ngăm). Bên cạnh đó còn có một số điểm du lịch có sự tham gia của người dân như một số các làng nghề: làng hoa cây cảnh Vị Khê, rối nước Hồng Quang (huyện Nam Trực), ươm tơ Cổ Chất (huyện Trực Ninh), làng kèn đồng Phạm Pháo (huyện Hải Hậu), làng nghề làm muối Bạch Long (huyện Giao Thủy). Các địa chỉ này đều có website riêng, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh hoặc quảng bá, xúc tiến du lịch… Các điểm du lịch cộng đồng bước đầu đã có sự liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường, nghiên cứu, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Thách thức và giải pháp hướng tới phát triển bền vững
Dù đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng trong thực hiện tiêu chí môi trường NTM nâng cao, kiểu mẫu vẫn còn những khó khăn, thách thức. Một số địa phương vẫn thiếu quyết tâm trong chỉ đạo, nhất là đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Việc xử lý rác của các xã, thị trấn cơ bản là bãi chôn lấp và lò đốt quy mô nhỏ, công nghệ cũ nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Vấn nạn ô nhiễm môi trường tại 17 làng nghề nông thôn đang là thách thức lớn, một số nơi đang ở mức báo động. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cộng đồng dân cư chưa cao...
Để vượt qua những thách thức trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề của tỉnh, cần sự vào cuộc với các giải pháp quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt cần áp dụng những công nghệ xử lý hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, khai thác hiệu quả kinh tế từ cảnh quan nông thôn, làng nghề. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn để đảm bảo thân thiện hơn với môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên vùng theo quy hoạch.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đưa Nam Định trở thành hình mẫu trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, góp phần định hình một NTM hiện đại, bền vững. Với quyết tâm mạnh mẽ, tỉnh không chỉ hoàn thành các mục tiêu trước mắt mà còn xây dựng nền móng vững chắc cho một NTM tương lai xanh - sạch - đẹp và thịnh vượng.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin