Bước chuyển mạnh mẽ của ngành chế biến nông sản Nam Định

05:42, 29/11/2024

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân, ngành chế biến nông sản của tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét, tạo được động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng, khẳng định thương hiệu nông sản địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế.

Vùng trồng ớt xuất khẩu xã Trung Nghĩa (Ý Yên) (ảnh 1); Nông sản chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh được các ngành chức năng tích cực hỗ trợ quảng bá, tiếp cận thị trường tiêu thụ mới (ảnh 2).
Vùng trồng ớt xuất khẩu xã Trung Nghĩa (Ý Yên).

Quy hoạch vùng nguyên liệu và sản xuất nông sản sạch

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất tạo vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại như VietGAP, GlobalGAP, công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 459 mô hình “Cánh đồng lớn”, tổng diện tích 21.037ha chuyên sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao, đã tăng hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, gia tăng giá trị sản phẩm. Trong đó, 414 mô hình chuyên canh lúa gạo với diện tích 19.681ha. Những thay đổi này giúp sản phẩm lúa gạo chuyển từ sản xuất đại trà sang chất lượng cao, gia tăng giá trị gấp 1,5-5 lần. Tiêu biểu là các sản phẩm gạo đặc sản, gạo hữu cơ được sản xuất bằng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, có 45 mô hình cây màu và cây dược liệu với diện tích 1.356ha.

Trong ngành chăn nuôi, tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học với 49 cơ sở đạt chuẩn an toàn dịch bệnh. Quy mô đàn vật nuôi trong nông hộ được mở rộng theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 142 nghìn tấn/năm, đảm bảo nguồn cung an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, cung cấp cho thị trường trong nước và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.

Ngành thủy sản của tỉnh liên tục tăng trưởng sản lượng, đạt khoảng 220 nghìn tấn/năm. Với 554/567 tàu, đạt 97,7% tàu cá được trang bị giám sát hành trình, cam kết khai thác biển bền vững, mỗi năm cung cấp trên 61 nghìn tấn nguyên liệu cho chế biến gồm sứa, cá biển làm mắm, tôm, mực, bạch tuộc... Nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh hình thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm cung cấp khoảng 142 nghìn tấn nguyên liệu cho chế biến với các đối tượng là tôm, cá biển các loại, cá bống bớp, cua biển, nhuyễn thể; ngao là đối tượng chủ lực và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Đến nay, các địa phương đã hình thành trên 70 vùng nuôi thủy sản tập trung; trong đó 500ha nuôi ngao của Nam Định đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Nam Định, góp phần định danh sản phẩm ngao Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu

Các ngành, địa phương cũng tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thay thế dần các thiết bị lạc hậu để nâng cao công suất, chất lượng, đa dạng các sản phẩm nông sản chế biến để tăng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có gần 600 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Đáng kể, Nam Định không chỉ tập trung sơ chế mà còn chuyển dịch mạnh mẽ sang chế biến sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiêu biểu trong số các doanh nghiệp đã góp phần tạo nên làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại Nam Định có thể kể đến Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) là đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn HACCP. Để có thể cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao, bên cạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cánh đồng đến sản phẩm cuối cùng, Công ty TNHH Toản Xuân còn sử dụng công nghệ máy sấy vỉ ngang. Với công suất 400 tấn/ngày nhằm đảm bảo nhanh nhất thời gian từ lúc gặt cho đến khi vào lò sấy không quá 3 tiếng đồng hồ, nhằm bảo đảm tối ưu dưỡng chất của hạt lúa. Đặc biệt trong quá trình chế biến không dùng bất cứ chất bảo quản nào, giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên của gạo làm tăng giá trị sử dụng của sản phẩm. Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, không ít doanh nghiệp đã đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, mang theo thương hiệu nông sản Nam Định ra thị trường quốc tế, trong đó có cả các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Vùng trồng ớt xuất khẩu xã Trung Nghĩa (Ý Yên) (ảnh 1); Nông sản chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh được các ngành chức năng tích cực hỗ trợ quảng bá, tiếp cận thị trường tiêu thụ mới (ảnh 2).
Nông sản chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh được các ngành chức năng tích cực hỗ trợ quảng bá, tiếp cận thị trường tiêu thụ mới.

Công ty TNHH một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định) là doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối các mặt hàng nông sản các vùng miền sấy khô như; trái cây sấy, ngô nếp sấy tươi, khoai tây sấy, khoai lang sấy, kẹo sìu châu, mít sấy, chuối sấy, hạt điều sấy, hạt hạnh nhân sấy, hạt mắc ca, trái cây hỗn hợp sấy. Với mục tiêu xây dựng, đưa MinhDuongFood trở thành thương hiệu Việt uy tín trong ngành chế biến nông sản, nhiều năm qua, công ty luôn áp dụng các quy chuẩn quản lý sản xuất, chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 9001:2015, OCOP. Từ năm 2021 đến nay, công ty đã tập trung thực hiện các đề án nghiên cứu, cải tiến sản phẩm hướng đến cung ứng ra thị trường đa dạng sản phẩm chế biến từ nông sản với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng cao. Nông sản sấy Minh Dương hiện đã được phân phối rộng khắp trên cả nước; đặc biệt, các sản phẩm như ngô nếp tươi sấy, khoai tây sấy vị phomai, kẹo sìu châu Nam Định còn được xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan và cả thị trường nội địa Trung Quốc.

Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, KCN Hòa Xá (thành phố Nam Định) đã trang bị các máy móc thiết bị hiện đại nhập khẩu từ châu Âu và sản xuất tại Việt Nam; có đội ngũ cán bộ và công nhân lành nghề, được đào tạo căn bản; đã áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm FSSC 22000; luôn bảo đảm sản xuất các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và yêu cầu kỹ thuật của khách hàng nên đã nhanh chóng có thị phần ổn định tại thị trường châu Âu, Mỹ... và thị trường trong nước. Từ năm 2021, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu thịt ngao đóng hộp Lenger sang châu Âu. Tại thị trường trong nước, các sản phẩm ngao của công ty được đưa vào bán tại hệ thống các siêu thị lớn của Việt Nam như Vinmart, hệ thống cửa hàng tiện lợi V+, Big C, Sài Gòn Coopmart cùng nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác để cung ứng đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm ngao của Công ty cũng đã được bán với số lượng ngày càng lớn tại các chuỗi nhà hàng lớn như Gold Gate, Red Sun, Food center...

Dây chuyền chế biến ngao sạch tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định).
Dây chuyền chế biến ngao sạch tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định).

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản những năm qua được đặc biệt quan tâm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được đưa lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn; các sản phẩm OCOP được quảng bá trên nền tảng xã hội Tiktok. Hiệp hội Nông nghiệp sạch đẩy mạnh hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, Nam Định cũng chú trọng phát triển các chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Trong đó, các ngành chức năng, các địa phương đã lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường… để hỗ trợ thiết lập, dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản trên cơ sở gắn kết lợi ích giữa các nhà chế biến với người sản xuất và cung cấp nguyên liệu. 

Đến nay, toàn tỉnh có 1 HTX và 1 doanh nghiệp của tỉnh là đầu mối kết nối sản xuất gắn với chuỗi giá trị chế biến, tiêu thụ lúa gạo với trên 30 HTX nông nghiệp trên địa bàn. 89 HTX trồng trọt, thủy sản, chế biến sản phẩm, tiểu thủ công nghiệp, dệt may thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; trong đó mô hình HTX kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị có 48 chuỗi. Các tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hiện nay có 1.029 tác nhân, trong đó gồm 935 hộ nông dân, 26 tổ hợp tác, 69 HTX và 23 doanh nghiệp. Các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản này không chỉ giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản mà còn tăng cường kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến, nhiều sản phẩm còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như gạo chất lượng cao, ngao sạch...

Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định công nghiệp chế biến nông sản là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp quan trọng vào ngân sách, kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, cùng với việc duy trì các biện pháp hữu ích, tỉnh sẽ ưu tiên thúc đẩy đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chế biến thịt, thủy hải sản, sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP), đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thúc đẩy liên kết, phát triển quan hệ hợp tác với các cơ sở lớn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích vai trò của nông dân trong sơ chế và chế biến nông sản. Đẩy mạnh huy động, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tập đoàn uy tín, nhà đầu tư có kinh nghiệm trong chế biến và xuất khẩu.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com