Nam Định là một trong 16 tỉnh ven biển chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp của nhiều hình thái biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão lốc, hạn hán, ngập lụt, xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh học... với xu hướng diễn biến nhanh, phức tạp. Thực hiện Kế hoạch hành động, ứng phó BĐKH tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 12/8/2019 của UBND tỉnh, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo từng ngành nghề đã chủ động có các giải pháp thích ứng với BĐKH nhằm giảm tối đa các ảnh hưởng, thiệt hại.
Sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống tại thị trấn Cồn (Hải Hậu). |
Bão số 3 (Yagi) và trận úng lụt lịch sử vào đầu tháng 9 vừa qua gây thiệt hại nhiều cho sản xuất nông nghiệp nói chung, nhiều làng nghề truyền thống ở nông thôn, song riêng các làng nghề sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống không bị thiệt hại nhiều, sản xuất vẫn được duy trì bình thường ngay sau bão. Ông Trần Văn Ba, xã Giao Châu (Giao Thủy) cho biết: “Làng nghề của chúng tôi đứng chân ngay vùng chân sóng mỗi lần có bão là một lần lo, bởi toàn bộ bể chượp, chum mắm, ang phơi đều ở giữa giời để đón nắng, đón gió, phơi sương cho sản phẩm lên hương, lên sắc nên rất khó chằng chống, bảo quản. Trước đây ít có bão lớn nên khi bão đến thì chúng tôi thường vần hệ thống chum nổi vào trong sân nhà và chằng đậy cho những chum chôn bán âm bán dương hoặc bể chượp xây cố định ngoài trời. Tuy nhiên những năm gần đây do diễn biến thiên tai bất thường với tần suất bão gió, mưa lớn và nắng gắt xuất hiện nhiều nên để đảm bảo sản xuất, chúng tôi phải gia cố, tôn cao nền khu vực sản xuất trước khi xây bể chượp nguyên liệu hoặc chôn chum sành chứa mắm chắt trước khi đóng chai thành phẩm để tránh bị ngập úng khi mưa lớn. Khi bão gió chỉ cần gia cố chặt miệng bể, miệng chum vại bằng tấm đan bê tông, nilon phủ kín và níu chặt bằng dây thun là tạm yên tâm. Một vài hộ gia đình có điều kiện kinh tế thì làm thêm hệ thống nhà lưới cho khu bể chượp vừa để ngăn chặn bụi, côn trùng trong quá trình phơi mắm và hạn chế được nước mưa rơi vào bể khi mưa bất ngờ không kịp che đậy”.
Bên cạnh việc chủ động cải tạo lại cơ sơ vật chất để sản xuất thì việc linh hoạt nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng có những thay đổi theo điều kiện tự nhiên bởi nguồn cá biển cũng khan hiếm dần và dịch chuyển thời gian muộn hơn. Trước đây người làm mắm trong tỉnh chủ yếu chọn cá nục, cá cơm, tép moi để làm mắm và chỉ chọn cá vào 2 vụ cuối đông, đầu xuân là ngon nhất. Tuy nhiên đến nay do BĐKH, nền nhiệt độ tăng và giữa các mùa trong năm không quá chênh lệch nên sản lượng cá không nhiều và cũng không tập trung vào đúng mùa như trước đây. Người làng nghề phải thu mua nguyên liêu rải rác các tháng trong năm mới đủ phục vụ sản xuất. Ngoài cá nục, cá cơm, tép moi như trước đây thì cá lâm, cá trích, cá dỏng cũng được đưa vào chế biến đảm bảo tươi ngon, không bị dập nát, cá không mang trứng để ngăn nước mắm có mùi tanh, không trong và ít độ đạm.
Cũng như nghề chế biến nước mắm, nghề chế biến bánh đa, mì gạo phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh với nhiều làng nghề nổi tiếng như làng Phượng xã Nam Dương (Nam Trực); làng Kiên Lao, xã Xuân Phúc (Xuân Trường); xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng)... Đặc thù của nghề làm miến, bánh đa, để có sản phẩm chất lượng tốt cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Với thời tiết nắng to và gió sẽ giúp cho thành phẩm đạt chuẩn trắng trong, thơm, ngon; trời mà mưa thì dù hàng đang đắt đến mấy cũng đành ngưng việc vì không thể phơi bánh. Để giảm phụ thuộc vào thời tiết, người làm nghề chế biến miến dong, banh đa đã đầu tư máy sấy. Theo đó bánh sau khi tráng được chạy qua dàn sấy lạnh đối lưu để rút bớt nước đạt đến độ ẩm cần thiết phù hợp với công đoạn thái bánh tiếp theo. Ở công đoạn này máy tiếp tục làm khô bánh đủ để tạo hình (bánh thẳng, bánh cuộn tổ chim hay gấp nếp hình chữ nhật…) trước khi hong khô hẳn và đóng gói. Phương pháp này giúp giữ nguyên hương vị và chất lượng tự nhiên của bánh đa, bún, miến mà hoàn toàn khép kín trong nhà xưởng, không phải phụ thuộc vào thời tiết, chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn tại làng nghề trồng hoa cúc đại đóa ven đê sông Đào xã Tân Thành nay là xã Thành Lợi (Vụ Bản) lại có cách ứng phó với BĐKH rất hiệu quả. Thay vì trồng hoa trên đất ruộng như những làng nghề trồng hoa khác, người dân ở đây trồng hoa trên chậu để chủ động điều chỉnh nguồn dinh dưỡng, nhiệt độ và đặc biệt là tránh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nắng gắt, sương muối, rét đậm, rét hại hay ngập lụt lúc mưa lớn, triều cường. Ông Trần Ngọc Dũng, người trồng hoa lâu năm trong xã cho biết: Đi sau các làng hoa nổi tiếng trong tỉnh nhưng từ khi bắt đầu làm nghề chúng tôi đã áp dụng mô hình trồng hoa trong chậu để cung ứng vào dịp Tết vì nhiều lý do như đất trồng hoa của xã không nhiều, không tơi xốp như vùng đất bãi Mỹ Tân (thành phố Nam Định) lại bị hạn chế ánh nắng tự nhiên nên trồng cố định ở đất ruộng sẽ không mang lại hiệu quả cao. Thêm vào đó nếu gặp khi thời tiết bất thuận như nhiều sương muối, mưa nặng hạt hay ngập úng thì nguy cơ mất trắng dễ xảy ra hơn các vùng trồng khác. Trồng cây trong chậu chúng tôi có thể bổ sung dinh dưỡng cho từng lứa, từng đợt phù hợp theo điều kiện thời tiết và cũng dễ dàng di chuyển cây vào trong nhà, lên cao khi mưa bão, úng ngập; thậm chí làm lán che sương, che gió cho cây. Trận bão và đợt úng lụt vừa qua, nhiều làng hoa vất vả mất trắng vì ngập nước nhưng sản phẩm của gần 50 hộ trồng hoa nơi đây vẫn không bị ảnh hưởng gì. Các hộ dân nơi đây vẫn đang tập trung làm đất, ươm giống, dưỡng cây chờ phục vụ thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của BĐKH đối với sản xuất và chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức, phương án thích ứng để tồn tại, phát triển từ thực tế cho thấy người dân làng nghề đã ý thức được vai trò của ứng dụng khoa học và sản xuất. Để tiếp tục hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất, các ngành chức năng đang tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, tăng cường năng lực thích ứng và các giải pháp cho các tổn thất, thiệt hại do BĐKH cho người dân. Đồng thời triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về công trình phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; xây dựng hệ thống giám sát BĐKH để đánh giá mức độ rủi ro, góp phần hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH hiệu quả.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin