Nghề trồng cau tại xã Hải Đường (Hải Hậu) không chỉ là lợi thế phát triển kinh tế của địa phương, đem lại thu nhập khá cho người dân mà còn tạo cảnh quan không gian làng quê thơ mộng.
Tách và phân loại cau tươi trước khi đưa vào lò sấy tại xưởng gia đình ông Phạm Văn Định ở xóm 21, xã Hải Đường (Hải Hậu). |
Cây cau gắn bó với người dân xã Hải Đường từ hàng trăm năm trước. Trước kia, người dân Hải Đường trồng cau chỉ để lấy quả phục vụ nhu cầu sử dụng đời thường, tập quán ăn trầu, phục vụ lễ hỏi, đám cưới, lễ hội truyền thống trong vùng và trồng cây lấy bóng mát, xanh không gian làng xã. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên cây cau tại đây phát triển tốt, sai quả, dáng đẹp, ngọt mềm, đậm vị. Cau Hải Đường nhanh chóng được các vùng như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… biết đến tin tưởng và đánh giá đứng đầu khu vực miền Bắc... Giá trị kinh tế của cây cau cũng vì thế mà đạt hiệu quả cao hơn các cây trồng khác, dần trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương. Trung bình một năm, mỗi cây cau cho thu nhập từ 300-500 nghìn đồng; cây nào cho buồng đẹp được dùng trong các dịp cưới xin, lễ lạt có thể đem về thu nhập vài triệu đồng/năm. Do đó, ở Hải Đường nhà nhà trồng cau. Cau làm đẹp cho khu vực trụ sở, trường học, trạm y tế; cau san sát trên đất vườn nhà, nghiêng bóng bên những bờ ao, dọc các dong ngõ, đường liên thôn, liên xã, bờ vùng, bờ thửa… Nhà trồng ít cũng trên dưới chục cây, nhà trồng nhiều lên đến hàng trăm cây. Nghề trồng cau của địa phương ngày càng phát triển theo hướng thâm canh với kỹ thuật ngày càng cao; không chỉ cau đúng vụ, người dân còn “tài tình” lách thời vụ cho ra quả cau suốt quanh năm. Cách làm này đã giúp người dân có cau tươi cung ứng quanh năm, giá bán cũng hơn hẳn cau đúng vụ. Khi đã có thương hiệu, cùng với trồng để bán quả, nhiều hộ có kinh nghiệm còn ươm cây giống để bán cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận, tối đa hóa thu nhập từ cây cau.
Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây cau ở Hải Đường, người dân đã đầu tư lò sấy cau non sơ chế làm nguyên liệu để sản xuất kẹo cau cung ứng sang thị trường các nước trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số nước châu Âu. Theo đó, vào chính vụ từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm cau non sau khi thu hái được hấp làm chín để giữ nguyên dưỡng chất, loại bỏ ký sinh trùng rồi mới sấy khô, xuất bán. Nếu chế biến theo phương pháp thủ công, sấy bằng than củi, than tổ ong bình thường một mẻ cau non phải mất 5 ngày mới cho ra lò khoảng 10 tấn cau khô; nhưng hiện tại sấy theo công nghệ mới bằng lò hơi thì chỉ mất 3 ngày với sản lượng 20 tấn cau khô. Cau sấy bằng nhiệt theo công nghệ mới có chất lượng cao hơn so với sấy thủ công, tỷ lệ hao hụt thấp và đảm bảo an toàn, sạch, mẫu mã đẹp. Cau sấy khô của các cơ sở sản xuất được xuất bán sang Trung Quốc để bào chế thành thuốc dùng trong y học cổ truyền, ngày nay còn được chế biến thành kẹo cau dùng cho những nơi có khí hậu lạnh. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, cau sau khi được sấy khô được làm thành kẹo. Loại kẹo này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng. Hiện cung tại chỗ không đủ cầu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Người dân Hải Đường phải đi mua gom cau ở các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thanh Hóa… về sơ chế. Thậm chí, nhiều người dân Hải Đường còn đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam nơi có nguồn nguyên liệu cau tươi dồi dào để đầu tư xưởng chế biến sấy cau tại chỗ, đón mùa cau sớm vào độ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.
Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đường cho biết: “Hiện tại, toàn xã có 100ha trồng cau và 20 xưởng sơ chế cau xuất khẩu với công suất hàng trăm tấn/xưởng. Với giá cau tươi là 80 nghìn đồng/kg và 300 nghìn đồng/kg cau khô, mỗi lò sấy đã đạt doanh thu từ 1 đến cả chục tỷ đồng/năm. Các xưởng tư nhân hiện đã từng bước liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cây giống, dịch vụ nông nghiệp Văn Minh để hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất cau giống, thu hoạch và sơ chế cau”. Đến lò sấy cau khô của ông Nguyễn Văn Tĩnh ở xóm 20, hàng chục lao động đang miệt mài tách cau tươi, phân loại cau, vận chuyển cau vào những lò hơi sấy cau. Ông Tĩnh cho biết: “Qua gần 20 năm gắn bó với cây cau, gia đình tôi đã xây dựng được xưởng sơ chế cau khô với 4 lò sấy với công suất 30 tấn cau/mẻ, tạo việc làm cho chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng”. Ông Phạm Văn Định ở xóm 21 cũng là xưởng đầu tư sớm chuyển đổi lò sấy cau bằng củi sang làm lò hơi. Ông Định cho biết: “Từ xưởng thu mua, sấy cau thủ công bằng than, củi tôi đã đầu tư sắm 3 lò sấy hơi công nghệ mới với công suất 450 tấn cau khô/năm. Cau sấy bằng nhiệt theo công nghệ mới có chất lượng cao hơn so với sấy thủ công và đảm bảo an toàn, sạch, mẫu mã đẹp. Cứ 5 tấn cau tươi sẽ được 1 tấn cau khô. Giá bán vì vậy cũng cao hơn nhiều, từ 250-300 nghìn đồng/kg cau khô”. Hiện tại ở Hải Đường mùa cau đang đến kỳ thu hoạch đại trà, không khí thu hái, mua bán nhộn nhịp ở ngay các vườn, rặng cau. Nhiều thương lái từ Trung Quốc sang đặt hàng cau sấy khô tận các xưởng.
Nghề trồng cau và chế biến cau xuất khẩu ở Hải Đường đang trên đà phát triển nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn. Đó là thị trường xuất khẩu chưa ổn định, sản phẩm cau sấy chỉ xuất khẩu tiểu ngạch nên giá, sản lượng tiêu thụ lệ thuộc lớn vào thương lái nước ngoài, dẫn đến thị trường và giá bấp bênh, dễ bị ép giá. Các mối xuất hàng của người dân đều theo hình thức thỏa thuận miệng, dựa trên nguyên tắc “tin tưởng nhau là chính” giữa những thương nhân Việt Nam và Trung Quốc nên ràng buộc pháp lý không cao, dẫn đến nguy cơ thua thiệt nếu xảy ra tranh chấp. Chính quyền địa phương và người trồng cau xã Hải Đường hiện mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật trồng cau sạch, công nghệ chế biến sâu sản phẩm cau thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như kẹo cau ăn liền của các nước khác; khi đó lợi nhuận của người sản xuất cao hơn, tạo thêm việc làm tại chỗ. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cau của địa phương để thương hiệu cau Hải Đường được “chính danh”, tạo thuận lợi khi tham gia các hoạt động thương mại trong và ngoài nước, phát triển nghề trồng cau vững chắc hơn.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin