Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân

08:50, 22/10/2024

Với phương châm hướng về cơ sở, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Xuân Trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nông dân xã Xuân Phúc (Xuân Trường) phát triển nghề làm bánh đa truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nông dân xã Xuân Phúc (Xuân Trường) phát triển nghề làm bánh đa truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa.

HND các cấp trong huyện đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Phong trào đã thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia. Năm 2024, toàn huyện có 25.723 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư, thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ ở nông thôn hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã. Các ngành nghề truyền thống cũng được hội viên nông dân quan tâm phát triển như nghề thêu ở xã Trà Lũ; nghề cơ khí ở xã Xuân Phúc; nghề mộc, điêu khắc gỗ ở các xã Trà Lũ, Xuân Ngọc; nghề dệt chiếu, trồng cây cảnh ở Xuân Ninh… Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tiêu biểu; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như ông Nguyễn Tiến Dũng, hội viên nông dân xã Xuân Ninh cấy 80ha lúa lai; ông Trần Thiện Dũng, hội viên nông dân xã Trà Lũ cấy 12,6ha lúa và làm dịch vụ nông nghiệp; ông Hồ Sỹ Hoạch, hội viên nông dân xã Xuân Châu với mô hình nuôi bò sinh sản; ông Đoàn Xuân Khải, hội viên nông dân xã Xuân Thành cấy 21ha lúa; ông Trần Thanh Năm, hội viên nông dân xã Xuân Vinh nuôi cá trắm đen; ông Phạm Văn Đưởng, xã Xuân Giang với mô hình nuôi gà siêu trứng; ông Nguyễn Văn Tung, xã Xuân Châu với mô hình nuôi cá lồng và ốc bươu; ông Mai Đình Năm, xã Trà Lũ với mô hình sản xuất đồ gỗ cao cấp…

Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như giúp về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cách thức làm ăn... HND các cấp trong huyện còn vận động, hướng dẫn hội viên tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua, HND huyện cùng cơ sở đã tuyên truyền, vận động thành lập được 4 chi HND nghề nghiệp tại 3 xã Xuân Vinh, Xuân Tân và Xuân Châu với 64 thành viên tham gia; thành lập được 12 tổ HND nghề nghiệp với 119 thành viên tham gia. Các mô hình chi hội, tổ HND nghề nghiệp được xây dựng ở hầu khắp các các địa phương, đi vào hoạt động có hiệu quả đã gắn kết nông dân cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Hội còn tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan để khai thác, vận động tạo nguồn lực cho Hội hoạt động, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tạo điều kiện cho hội viên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. HND huyện ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đối với thành viên của các chi, tổ HND nghề nghiệp. Hiện nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do HND huyện đang quản lý gần 4,4 tỷ đồng; trong đó nguồn Trung ương Hội, Tỉnh Hội ủy thác 2,2 tỷ đồng; nguồn cấp huyện quản lý 2,2 tỷ đồng tạo điều kiện cho 55 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên các mô hình đều phát huy được hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ hội viên. Các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận tín chấp gần 156 tỷ đồng cho 4.045 hộ vay; thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền 1.988 tỷ đồng cho 4.526 hộ vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, làm giàu chính đáng. Ngoài ra, HND từ huyện đến cơ sở cũng tích cực quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất cũng như quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. 

Từ các hoạt động hỗ trợ thiết thực của HND các cấp trong huyện đã khuyến khích hội viên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Cơ cấu sản xuất có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất. Toàn huyện có gần 50 cơ sở chăn nuôi trang trại, các cơ sở đã từng bước thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng xây dựng hầm biogas bảo vệ môi trường. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh qua các năm. Toàn huyện có 640ha ao, đầm và 60 lồng, bè nuôi trồng thủy sản; trong đó diện tích thả cá thâm canh 225ha, tập trung ở các vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản với chủ yếu các loại cá truyền thống. Riêng tại vùng chuyển đổi thuộc xã Xuân Vinh, Xuân Phúc, các hộ nuôi trồng thủy sản đã thả một số loại con nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá lăng, cá trắm đen với diện tích nuôi là 40ha…

Thời gian tới, các cấp HND huyện Xuân Trường tiếp tục huy động các nguồn vốn hỗ trợ hội viên; đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cung ứng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; vận động hội viên tương trợ, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com