Năm 2024 tổng nguồn vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh được Trung ương giao là 4.649,385 tỷ đồng; HĐND tỉnh thông qua là 9.049 tỷ đồng (tăng 4.400 tỷ đồng theo dự kiến khả năng thực hiện của địa phương). Trong đó: Ngân sách Trung ương là 369,411 tỷ đồng (theo đúng số vốn Chính phủ giao), ngân sách địa phương là 8.679,974 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước kết quả giải ngân VĐTC đến hết tháng 9/2024 đạt 121,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu so với kế hoạch HĐND tỉnh thông qua thì kết quả giải ngân VĐTC đạt 60,8% kế hoạch, tương đương 5.663,113 tỷ đồng (Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là 243,952 tỷ đồng, đạt 66,0% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương giải ngân là 5.419,161 tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch). Với kết quả này, Nam Định nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân VĐTC trong bối cảnh kết quả giải ngân VĐTC 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước chỉ đạt 47% kế hoạch; một số bộ, ngành tỷ lệ giải ngân dưới 10%; nhiều tỉnh, thành phố dưới 30%.
Huyện Hải Hậu thường xuyên đốc thúc tiến độ thi công các dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư tập trung để sớm đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. |
Theo đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để giải ngân hiệu quả lượng lớn VĐTC, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực không ngừng trong cải thiện quy trình, chủ động đẩy nhanh tiến độ tất cả các phần việc liên quan. Ngay trong các kỳ họp từ năm 2023, UBND tỉnh đã chủ động trình HĐND kế hoạch dự kiến đầu tư công năm 2024, nhờ đó có cơ sở để thực hiện sớm các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng, chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch…). Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành được duy trì xuyên suốt ngay từ đầu năm ở mức quyết liệt tại tất cả các cấp chính quyền, ngành chức năng; tại các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đều nhận thấy tinh thần quyết liệt, chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện các phần việc liên quan. Hàng tuần, UBND tỉnh đều họp, kiểm điểm và đốc thúc tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, giải ngân VĐTC; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn VĐTC năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 3 Tổ công tác theo dõi, đôn đốc công tác chỉ đạo, điều hành về giải ngân VĐTC thành lập theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 14/4/2023 của UBND tỉnh với phong cách chỉ đạo mới, bám sát thực tế, quyết liệt đôn đốc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương, đơn vị; đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch được bố trí vốn lớn trong năm 2024. Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc phát sinh (liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu thầu…) có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đã được nhận diện và có giải pháp xử lý kịp thời, trường hợp thuộc thẩm quyền Trung ương thì tỉnh cũng báo cáo đề xuất ngay đến các cơ quan cấp trên cùng xem xét, xử lý.
Điểm nhấn đáng kể trong kết quả thúc đẩy giải ngân VĐTC từ đầu năm 2024 đến nay phải kể đến giải pháp thúc đẩy tiến độ thi công xây dựng với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, thậm chí “làm xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ” tại các dự án trọng điểm của tỉnh, bao gồm: dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; cầu Đống Cao bắc qua sông Đào thuộc tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Đặc biệt, dù cũng chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của bão, lũ, nhất là cơn bão số 3 (Yagi) nhưng các địa phương trong tỉnh cũng khắc phục hậu quả rất nhanh, không để bất cứ công trình sử dụng vốn ngân sách phải tạm dừng để khắc phục hậu quả mưa lũ nên vẫn bảo đảm thúc đẩy nhanh tiến độ thi công.
Từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan xác định giải ngân VĐTC là công tác trọng tâm, trọng điểm bởi đầu tư vẫn là động lực tăng trưởng hết sức quan trọng của nền kinh tế; đồng thời phải tiếp tục quyết liệt hơn trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024. Trong đó, tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá giải ngân từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đối với các dự án có nhu cầu. Đối với các dự án lớn, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương đảm bảo khoa học, hiệu quả. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo thu đạt và thu vượt dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là tiền sử dụng đất năm 2024 được giao, đảm bảo nguồn ngân sách thanh toán kịp thời cho các dự án đang triển khai thực hiện, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bằng việc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tiến độ, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu giải ngân VĐTC năm 2024 đã đề ra, sớm hoàn thành nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện, bền vững, không ngừng cải thiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin