Trước những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nỗ lực thực hiện những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, vụ mùa năm 2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai mô hình “Canh tác lúa tiết kiệm nước, tạo tín chỉ carbon trong canh tác lúa bền vững” nhằm thích ứng với BĐKH, nâng cao hiệu quả canh tác lúa, giảm phát thải khí mê-tan (CH4), tạo tín chỉ carbon, tiết kiệm nước và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần tích cực vào mục tiêu canh tác lúa bền vững.
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững tại xã Yên Khang (Ý Yên). |
Hiện nay, phương thức canh tác lúa truyền thống đang duy trì thường xuyên lượng nước trên mặt ruộng dẫn đến nhiều vấn đề như: Tiêu tốn lượng nước, tăng công và chi phí tưới, phát thải nhiều khí CH4 là loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh thứ 2 sau khí cacbonic (CO2). Hàng năm, Nam Định gieo cấy lúa 2 vụ với hơn 70 nghìn ha mỗi vụ nên lượng phát thải khí CH4 trong nông nghiệp khá lớn. Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tích cực thực hiện những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính và nỗ lực tìm hướng phát triển sản xuất lúa thích ứng với BĐKH, vụ mùa năm nay, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam); Công ty Green Carbon (Nhật Bản) thực hiện mô hình “Canh tác lúa tiết kiệm nước, tạo tín chỉ carbon trong canh tác lúa bền vững”.
Đồng chí Trần Đức Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết: Mô hình được triển khai tại các xã: Trung Nghĩa, Yên Khang (Ý Yên); Nam Cường (Nam Trực) và Minh Tân, Vĩnh Hào (Vụ Bản) với tổng diện tích là 1.100ha. Để bảo đảm cho việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện tổ chức 6 lớp tập huấn cho 414 cán bộ, nông dân của các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức về phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ”; những ưu điểm, lợi ích của phương pháp canh tác này mang lại. Việc áp dụng biện pháp canh tác lúa tưới “ướt khô xen kẽ” - nông, lộ, phơi sẽ giúp cây lúa thích ứng tốt với tình trạng BĐKH ngày càng nhiều biểu hiện rõ rệt và diễn biến phức tạp. Các đơn vị chức năng đã phối hợp với các xã bố trí ruộng thực hiện dự án, ruộng đối chứng để lấy mẫu khí tính toán lượng khí phát thải. Từ khi gieo trồng đến thu hoạch đã tiến hành 9 lần lấy mẫu, phân tích mẫu khí và tính toán lượng khí phát thải. Kết quả bước đầu cho thấy, việc thực hiện tưới “ướt khô xen kẽ” đã làm giảm 60% lượng khí CH4, quy đổi tương đương trên 3-4 tấn CO2/ha. Ông Chính nhấn mạnh: “Trong điều kiện canh tác thuận lợi hơn vụ mùa năm nay và thực hiện áp dụng đồng bộ phương pháp canh tác này ở cả vụ xuân, vụ mùa thì lượng khí CH4 có thể sẽ giảm nhiều hơn, quy đổi tương đương 7-9 tấn CO2/ha/năm, tương đương 7-9 tín chỉ carbon/ha/năm”.
Là người trực tiếp triển khai thực hiện mô hình tại xã Yên Khang (Ý Yên), Tiến sĩ Vũ Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Vụ mùa năm 2024 có mưa nhiều và chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi, mưa to kéo dài gây ngập úng nhưng kết quả đạt được đã cho thấy sự phù hợp, hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tưới “ướt khô xen kẽ” - nông, lộ, phơi. Đây là phương pháp kỹ thuật đã được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) nghiên cứu và phổ biến. Canh tác lúa theo phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ” làm tăng nồng độ ô-xy trong đất, ức chế vi khuẩn làm tăng khí CH4, giúp cây lúa sinh trưởng tốt hơn, đẻ nhánh nhiều, cứng cây, ít sâu bệnh, bộ rễ to, khoẻ, ăn sâu, chống đổ tốt nên năng suất, chất lượng lúa thương phẩm cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống. Đồng thời giúp nông dân giảm tới 40% lượng nước, chi phí, công tưới; tạo tiền đề để người sản xuất xây dựng thương hiệu lúa, gạo giảm phát thải, thân thiện với môi trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị thu nhập; thúc đẩy hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất. Đặc biệt, sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát khí thải của quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với quốc tế và là cơ sở để xây dựng tín chỉ carbon, gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Trong quá trình canh tác theo phương pháp này thì điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được lượng nước tưới trên đồng ruộng, tức là phải giám sát được mực nước trên ruộng, khi nào cần cho nước vào ruộng thì cho, khi nào không cần thì ngừng tưới. Ưu điểm của phương pháp này là không phải chủ động rút nước ra khỏi ruộng vì như vậy sẽ gây tốn nước, tốn công; khi ngừng tưới thì vẫn có thể đảm bảo được ruộng khô, tăng nồng độ ô-xy trong đất. Ở những thời điểm quan trọng của cây lúa như thời điểm cấy, bón phân, trỗ thì vẫn phải đảm bảo đủ nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt”.
Anh Bùi Xuân Bình ở thôn Hồ Sen, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) là một trong những hộ tiên phong áp dụng mô hình cấy lúa tưới “ướt khô xen kẽ” trong vụ mùa năm nay với diện tích 10ha bằng các giống: TBR97, BC15, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá. Anh Bình cho biết: “Là người gieo cấy nhiều nên tôi rất quan tâm, chú ý đến các phương pháp canh tác mới, hiệu quả. Vụ mùa năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ đã mưa ngập, sâu bệnh nhiều, nhất là sâu cuốn lá, rầy ra dải, lứa kéo dài. Tuy nhiên đối với diện tích áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ tôi thấy sâu bệnh ít hơn hẳn so với diện tích gieo cấy theo phương pháp truyền thống. Ở giai đoạn cuối vụ, mặc dù bị ảnh hưởng nặng bởi mưa, bão nhưng lúa không bị bạc lá, cây đứng vững, không bị đổ nên năng suất vẫn bảo đảm tương đương vụ mùa năm 2023. Cụ thể, năng suất lúa Bắc thơm 7 đạt trên 52 tạ/ha, BC 15 đạt 58 tạ/ha, TBR đạt 63 tạ/ha. Trong những vụ tới, tôi sẽ tiếp tục áp dụng và mở rộng diện tích gieo cấy áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ để giảm công đầu tư, chi phí, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện mô hình “Canh tác lúa tiết kiệm nước, tạo tín chỉ carbon trong canh tác lúa bền vững” đã cho thấy cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm số lần bơm nước tưới so với tưới ngập thường xuyên. Thực tiễn thành công của việc áp dụng mô hình này cho thấy cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất ở các địa phương là phù hợp, thuận lợi cho việc áp dụng triển khai mô hình. Thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các công việc theo kế hoạch của dự án đã đề xuất trên diện tích được thống nhất tại các cánh đồng áp dụng phương pháp canh tác lúa tiết kiệm nước. Phân công cán bộ phối hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hộ nông dân để thực hiện đo đếm mức phát thải và tín chỉ carbon. Tăng cường công tác quản lý và điều tiết nước trên diện tích triển khai dự án. Tiếp tục lựa chọn, mở rộng diện tích vùng cấy lúa có đủ điều kiện áp dụng thực hiện dự án này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thúc đẩy sự tham gia của nông dân, chính quyền các địa phương, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức, kỹ năng áp dụng phương pháp tiết kiệm nước, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập và đóng góp thiết thực, cụ thể vào nỗ lực thực hiện những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ... Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan nhận định: “Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận”. |
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin