Ý Yên khẩn trương ổn định và khôi phục sản xuất, đời sống sau bão lũ

09:06, 26/09/2024

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện và các xã duyên giang huyện Ý Yên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ứng phó với mưa, lũ do bão số 3 gây ra. Đến ngày 14/9, mực nước ở các sông đã bắt đầu rút, toàn bộ tuyến đê bối được bảo vệ an toàn, không có thiệt hại về người. Toàn huyện Ý Yên tập trung bắt tay ngay vào khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, cuộc sống trở lại thường nhật.

Ngay từ ngày 15/9, Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh ở thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị đã bố trí cho 100% công nhân quay trở lại làm việc.
Ngay từ ngày 15/9, Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh ở thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị đã bố trí cho 100% công nhân quay trở lại làm việc.

Qua thống kê sơ bộ, hoàn lưu bão số 3 gây mưa, lũ đã làm gần 8.500ha lúa mùa trên địa bàn huyện bị ngập úng, trong đó có khoảng 758,4ha thiệt hại hoàn toàn; trên 1.500ha thiệt hại rất nặng. Khoảng 224,2ha cây màu hè thu bị ảnh hưởng; trong đó có trên 163ha bị thiệt hại hoàn toàn; 133,1ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, chủ yếu là diện tích nuôi thả cá truyền thống (khoảng gần 130ha). Về tài sản của Nhà nước và nhân dân, có trên 1.000 nhà dân ở các vùng bối bị ngập sâu từ 1-3m; diện tích bị thẩm lậu trên tuyến đê tả Đáy và các tuyến đê bối, bờ bao sản xuất khoảng trên 1.000m2. Một số cống qua đê bị rò rỉ, không kín nước. Một số trạm bơm bán kiên cố bị hư hỏng. Các công trình đang thi công trên đê gồm các kè: An Quang, Đống Cao, Độc Bộ, Yên Trị bị ảnh hưởng do lũ.

Ngay sau khi nước rút, UBND huyện Ý Yên đã ban hành Công văn số 1144/UBND-VP ngày 15/9/2024 chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh và ổn định đời sống người dân sau mưa lũ. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã bị ảnh hưởng tập trung đôn đốc các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên phối hợp cùng nhân dân huy động lực lượng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường làng ngõ xóm, kê dọn đồ đạc, phân loại rác thải, xử lý nguồn nước và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Với sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể, kết hợp sức dân nên công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực dân cư và nơi công cộng tại các địa phương đã sớm được hoàn tất, nhà cửa gọn gàng, đường làng dần phong quang, sạch sẽ. Nhịp sống của người dân dần quay trở lại bình thường; các đơn vị, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của các cơ sở doanh nghiệp cũng nhanh chóng trở lại bình thường.

Đồng chí Vũ Xuân Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Từ ngày 9/9 đến ngày 13/9, do nước sông Đáy dâng cao, toàn bộ 9km đê bối bị ngập tràn, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản nhân dân trong xã. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đã được chuẩn bị kỹ, địa phương đã huy động 3.000 người phối hợp cùng các lực lượng hỗ trợ của huyện triển khai chống tràn đê bối thành công, không có thiệt hại về người; 300 nhân khẩu thuộc vùng bối phải sơ tán đã trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa; thiệt hại về tài sản đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Hiện mực nước sông Đáy đã giảm, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể cùng người dân tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường giao thông kết hợp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Các trạm bơm tăng cường công suất vận hành để bơm gạn nước đệm để tiêu úng bảo vệ 600ha lúa mùa và hoa màu trên vườn. Tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 kết hợp trừ rầy và trừ bệnh khô vằn. Các thôn, xóm từng bước thống kê thiệt hại của 30ha nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại cá truyền thống tại vùng bối. Anh Trịnh Văn Thao, xóm Trại Hạt, cho biết: “Do mưa lũ, toàn bộ 6 sào ao nuôi thả cá truyền thống của gia đình đã bị mất trắng, ước tính thiệt hại ban đầu gần 100 triệu đồng. Gia đình đang chờ nước rút thêm để tiếp tục thả cá và tái đàn lợn, đồng thời duy trì 2 lợn nái và 20 lợn con đảm bảo kịp xuất chuồng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ”. Bám sát tình hình thời tiết và chỉ đạo của UBND huyện, xã, ngay từ ngày 13 và 14/9, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trên địa bàn xã đã nhanh chóng ổn định sản xuất, thông báo cho công nhân quay trở lại làm việc. Hiện 4 doanh nghiệp và 20 xưởng may công nghiệp trên địa bàn xã đã hoạt động bình thường. Ông Trần Văn Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh cho biết: “Ảnh hưởng bởi bão số 3 và lụt do hoàn lưu của bão, Công ty cũng bị thiệt hại đáng kể bởi đơn hàng bị chậm, nhiều kiện hàng, nguyên liệu phải di dời để tránh ngập, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 400 triệu đồng. Để đảm bảo nhanh chóng ổn định sản xuất, ngay từ ngày 15/9, Công ty đã từng bước khôi phục các dây chuyền sản xuất, đảm bảo hỗ trợ 100% công nhân quay trở lại làm việc. Phấn đấu đến hết năm 2024, doanh thu của Công ty vẫn đảm bảo hơn 400 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 1.700 công nhân với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng”.

Thời gian tới, để tổ chức giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại ổn định; UBND huyện Ý Yên tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn, khắc phục hậu quả của mưa lũ với phương châm “Lũ rút đến đâu, khắc phục đến đó”. Các địa phương khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải, dọn dẹp bùn đất, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng; chú trọng thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật, gia cầm chết đảm bảo an toàn môi trường, dịch bệnh theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các biện pháp xử lý ngay nguồn nước phục vụ sinh hoạt để đề phòng các nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe như thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; phun hoá chất diệt trùng, tẩy uế, khơi thông cống rãnh, vũng nước tù đọng… Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, chú ý các nhóm bệnh có nguy cơ cao như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... 

Phòng NN và PTNT huyện hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ đối với lúa và cây màu vụ mùa nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi mưa lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò, tai xanh ở lợn… Thường xuyên kiểm tra, rà soát để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn điện và cháy nổ trên địa bàn; kịp thời thông báo cho Điện lực Ý Yên và các đơn vị liên quan để có biện pháp khắc phục kịp thời. Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt phương án số 1144/PA-UBND ngày 13/9/2024 của UBND huyện về đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân sau cơn bão số 3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt chính xác các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cứu lúa nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Tổ chức ứng trực 24/24h trong quá trình vận hành tiêu úng; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Ngoài ra, UBND huyện đề xuất UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, mở rộng và tôn cao tuyến đê bao Ninh Mật xã Hồng Quang, đê bao Trại Mễ xã Yên Khang, đê bao An Quang và An Thành xã Yên Phúc; xử lý rò rỉ, thẩm lậu và gia cố, đắp cơ, mở rộng mặt cắt tuyến đê bối và đắp con trạch chống tràn ở các xã: Yên Phúc, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Trị. Xây dựng lại một số cống, trạm bơm qua đê đã bị xuống cấp như: cống Đông Duy (xã Hồng Quang), cống Tây Vĩnh, cống Gon (xã Yên Trị), cống 15, cống C31 (xã Yên Phúc), cống số 9 (xã Yên Lộc)... và một số cống khác bị rò rỉ thân cống để nâng cao năng lực phòng, chống bão và lũ lụt trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com