Tăng cường quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em

08:44, 06/09/2024

Vào dịp Tết Trung thu, thị trường kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em trở nên sôi động với rất nhiều mặt hàng được nhập từ nước ngoài, phong phú về mẫu mã và chủng loại. Thời gian qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tăng cường công tác kiểm soát chất lượng mặt hàng đồ chơi trẻ em được kinh doanh, lưu thông trên địa bàn.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) khảo sát sản phẩm đồ chơi trẻ em trên địa bàn thành phố Nam Định.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) khảo sát sản phẩm đồ chơi trẻ em trên địa bàn thành phố Nam Định.

Gần đến Tết Trung thu các cửa hàng kinh doanh đồ chơi đã nhập và trưng bày thêm nhiều loại đồ chơi cho trẻ. Cùng với các sản phẩm đồ chơi đặc trưng chỉ dành cho Tết Trung thu (bao gồm cả loại sản xuất công nghiệp và của các làng nghề thủ công truyền thống) còn có các bộ xếp hình, bộ đồ nấu ăn, búp bê, siêu nhân, rô-bốt, thú nhồi bông… với đủ màu sắc, hình dạng bắt mắt. Sản phẩm với nhiều nguồn xuất xứ, chất liệu, chất lượng.

Đồ chơi là đồ vật thân thiết, gắn bó gần gũi, được xem như "người bạn" không thể thiếu đối với trẻ con. Trẻ thường xuyên tiếp xúc, sử dụng hàng ngày. Do vậy, nếu đồ chơi trẻ em không đảm bảo chất lượng (thiết kế không an toàn, sử dụng nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng...) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe cho trẻ khi tiếp xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, thể chất, có nguy cơ trực tiếp gây ra các sát thương bên ngoài, gián tiếp gây nhiễm một số hóa chất độc hại cho trẻ em khi sử dụng. Trên thực tế nhiều phụ huynh khi mua sắm đồ chơi cho trẻ cũng ít khi quan tâm, kiểm tra kỹ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Điều này đã vô tình “tiếp tay” cho việc kinh doanh đồ chơi chưa qua kiểm soát, khiến công tác quản lý chất lượng mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện kế hoạch khảo sát chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường tỉnh năm 2024, trong tháng 8/2024 vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành khảo sát đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em trên địa bàn các huyện, thành phố Nam Định với mục đích lấy mẫu hàng hóa thử nghiệm chất lượng để đưa ra các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn kịp thời các loại hàng hóa kém chất lượng. Đồng thời là căn cứ để tiến hành kiểm tra khi phát hiện hàng hóa không đúng quy định hoặc có dấu hiệu chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thông báo cho các cơ quan chuyên môn và người tiêu dùng… Kết quả cho thấy, các cơ sở được kiểm tra thực hiện tốt việc kinh doanh hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu đảm bảo về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định QCVN 03:2009/BKHCN. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa là đồ chơi trẻ em chưa có đầy đủ thông tin về nhãn hàng hoá theo quy định.

Cùng với hoạt động khảo sát, Chi cục đã kết hợp tiến hành phổ biến một số quy định về chất lượng, ghi nhãn đối với đồ chơi trẻ em cho các cơ sở kinh doanh. Theo đó, đồ chơi trẻ em trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với mặt hàng sản xuất trong nước hoặc được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Đồng thời phải đáp ứng được các yêu cầu quy định theo QCVN 03:2019/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em như yêu cầu an toàn về cơ lý, tính cháy, hóa học và an toàn điện đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện. Việc công bố đồ chơi trẻ em có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được thể hiện bằng dấu hợp quy (tem CR) do nhà sản xuất, nhập khẩu gắn trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa; trên nhãn hoặc trên bao bì hàng hóa đó ở vị trí dễ quan sát, không thể tẩy xóa. Việc ghi nhãn đối với đồ chơi trẻ em phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng khuyến nghị, hướng dẫn người dân lựa chọn sản phẩm đồ chơi có nhãn ghi đầy đủ, rõ ràng các thông tin về hàng hóa theo quy định như trên. Đối với đồ chơi nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và ghi đầy đủ các thông tin về hàng hóa. Cần kiểm tra các thông tin ghi nhãn sản phẩm đồ chơi trẻ em trước khi mua, để lựa chọn sản phẩm thích hợp với độ tuổi và nhu cầu. Chỉ mua và sử dụng đồ chơi trẻ em đã được chứng nhận hợp quy thể hiện trên sản phẩm, hàng hóa hoặc trên nhãn, bao bì của sản phẩm bằng dấu hợp quy CR theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2019/BKHCN.

Hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng đối với đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em. Thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em tại các cơ sở kinh doanh nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng đưa vào thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn, góp phần đảm bảo thị trường đồ chơi trẻ em an toàn và lành mạnh.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com