Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần chủ động và phối hợp chặt chẽ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, tỉnh đã triển khai ứng phó kịp thời với các tình huống bão lụt do siêu bão số 3 (Yagi) gây ra; bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân và giảm tối đa thiệt hại về tài sản, công trình hạ tầng; sau khi bão đi qua, đã nhanh chóng ổn định tình hình, đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục úng ngập trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh: Thống kê đến thời điểm 16 giờ 00’ ngày 13/9/2024, tổng thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trị giá gần 565 tỷ đồng. Trong đó, về thủy lợi, một số tuyến bờ bao, bối tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Xuân Trường bị tràn. Một số cống tại địa bàn thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường xuất hiện lỗ rò, phải xử lý giờ đầu. Một số đoạn xuất hiện nhiều điểm rò rỉ thẩm lậu: vị trí K145-K158 tả Đáy (Ý Yên); K195+500-K196+500, K197+800-K197+950 hữu Hồng (Xuân Trường) đã xử lý giờ đầu. Mái đê phía đồng đoạn K3+890 đê tả Ninh thuộc địa phận xã Xuân Hồng (Xuân Trường) bị sạt trượt 20m phải xử lý giờ đầu. Bờ tả kênh xả trạm bơm Quán Chuột (thành phố Nam Định) bị vỡ một đoạn khoảng 15m...
Do mưa lớn, nước lũ lên cao nhiều tuyến đường giao thông bị ngập; cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B nước chảy xiết vướng vật cản trôi dạt làm ảnh hưởng đến kết cấu cầu phao. Về nhà ở, 2.114 ngôi nhà bị ngập nước, 76 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 4 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, 1 ngôi nhà bị thiệt hại rất nặng. Một số điểm trường học bị thiệt hại về cơ sở vật chất và bị ngập lụt. Toàn tỉnh có 60 cột điện bị đổ, gãy và 1.530m hệ thống đường điện liên quan bị ảnh hưởng; một số nhà xưởng, xí nghiệp bị thiệt hại; nhiều công trình như chợ, công trình phụ trợ và tường rào bị đổ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 4.087 cây xanh bị đổ, ngập trong nước do bão và lũ.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo, đôn đốc công tác chống ngập úng. |
Về sản xuất nông nghiệp, có 18.102ha lúa, 3.800ha rau màu, 2.145 cây hoa, cây cảnh, 36,5ha cây trồng lâu năm, 55,5ha cây trồng hàng năm bị ảnh hưởng, thiệt hại; khoảng 700ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 833 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, chuồng trại hư hỏng...
Trong bối cảnh, cơn bão số 3 với cường độ đặc biệt lớn và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều mặt đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và của chính quyền, nhân dân nhiều địa phương, tỉnh Nam Định được đánh giá đã nỗ lực giảm tối đa nhất mức thiệt hại.
Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo
Để có thể giảm đến mức tối đa thiệt hại mà cơn bão số 3 và mưa lũ, sạt lở sau bão gây ra, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và ban hành 5 Công điện, 5 văn bản chỉ đạo để các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ với mục tiêu ưu tiên đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản của người dân. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống bão tại địa bàn các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến và mọi tác động, ảnh hưởng do bão, mưa lũ gây ra trên địa bàn; chỉ đạo khẩn trương và kịp thời bám sát hiện trường để đôn đốc, kiểm soát tiến độ, hiệu quả thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố. Tại các sự cố, nhất là các sự cố đê kè ở các huyện, thành phố bị sạt lở, rò rỉ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đều có mặt ngay lập tức, thậm chí đã bám sát thực địa từ trước khi phát sinh sự cố và quyết liệt chỉ đạo xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” như sự cố tràn đê bối Phương Định chiều ngày 11/9, sự cố cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B bị mất liên kết, xô lệch đẩy về phía hạ lưu cách vị trí ban đầu 30-40m đêm ngày 11/9, sự cố kênh xả của Trạm bơm Quán Chuột bị vỡ đêm ngày 11/9... Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai 1 sở chỉ huy tại huyện ven biển Hải Hậu để chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời nhân dân, phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. Các huyện, thành phố đã thành lập 22 sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê do các đồng chí lãnh đạo huyện, thành phố làm Chỉ huy trưởng, trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tuần tra, canh gác đê điều nghiêm ngặt, liên tục ngày đêm, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố
Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Kinh nghiệm quan trọng trong công tác ứng phó siêu bão số 3, mưa lũ sau bão và khắc phục thiệt hại vừa qua phải kể đến là việc các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động đáp ứng từ sớm, từ xa các điều kiện phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Vì vậy đã không để xảy ra tình trạng bị động và luôn bảo đảm phản ứng nhanh, ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại của các sự cố, các tình huống phải ứng phó khẩn cấp. Trong triển khai thực tế phương án phòng, chống lũ, các địa phương đã tập trung cao độ đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, đã chủ động phản ứng nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả; bằng biện pháp đắp con trạch tăng cường chiều cao tại một số vị trí đê như: K17+900-K17+980 hữu Đào huyện Ý Yên, K192+200 - K192+350 đê tả Đáy huyện Nghĩa Hưng, K27+556 - K27+606 đê tả Đào huyện Nghĩa Hưng, K198+220 - K198+230 đê tả Đáy Nghĩa Hưng nên không để xảy ra vỡ đê bối”.
Còn theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, TUV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố: Do mực nước sông dâng cao trên báo động 3, đêm ngày 11/9 khoảng 15m bờ tả kênh xả của Trạm bơm Quán Chuột thuộc địa bàn xã Mỹ Tân bị vỡ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an toàn của người dân trên địa bàn xã và nhiệm vụ điều tiết nước phòng, chống thiên tai của Trạm bơm Quán Chuột. Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Nam Định đã nhanh chóng có mặt, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường; huy động các lực lượng, thiết bị khẩn trương đắp bờ ngăn tràn; tổ chức làm đường tạm để đưa thiết bị, máy móc, vật tư vào điểm sạt lở tiến hành xếp bao cát chống tràn, đóng cọc, vá điểm sạt lở. Đồng thời, đã chỉ đạo địa phương, các lực lượng liên quan khẩn trương di dời 573 hộ dân với 1.774 nhân khẩu trong vùng nguy hiểm vào các điểm tránh trú an toàn. Đến 10 giờ sáng 13/9 thành phố đã khắc phục hoàn toàn sự cố vỡ bờ tả kênh xả của Trạm bơm Quán Chuột, tiến hành mở cánh phai cống xả Trạm bơm Quán Chuột và vận hành các tổ máy để tiêu thoát nước, tích cực phục vụ nhiệm vụ PCTT.
Ngay trong mưa bão, các lực lượng chức năng đã tích cực hỗ trợ người dân di chuyển an toàn qua vùng ngập lụt. |
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng, ngoài số lượng hộ dân xã Mỹ Tân phải di dời trong sự cố vỡ bờ tả kênh xả của Trạm bơm Quán Chuột, nhiều xã, phường thuộc địa bàn thành phố Nam Định và các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu cũng phải di dời nhiều hộ dân sinh sống ở ngoài đê bối hoặc sinh sống trong các căn nhà thuộc diện nguy hiểm, nhà tạm, nhà yếu, các khu tập thể cũ đến nơi tránh trú an toàn. Dù tổng số dân đã di dời trên toàn tỉnh đông, 16.433 người, nhưng nhờ đã chủ động phương án với mục tiêu ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nên các địa phương đều thực hiện hiệu quả công tác di dời, sơ tán dân. Tại các vị trí đến sơ tán, bà con nhân dân đều được chính quyền địa phương quan tâm chăm lo chu đáo các điều kiện vật chất, tinh thần để người dân yên tâm. Chính quyền các phường, xã có hộ dân phải sơ tán đều cử lực lượng trông coi, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản giúp các hộ dân yên tâm đi tránh trú bão.
Ngay sau bão, các huyện, thành phố, các lực lượng liên quan đã làm tốt công tác thu gom, xử lý cây gãy, đổ, kịp thời khôi phục giao thông đảm bảo việc đi lại phục vụ công tác PCTT, đi lại của người dân. Kịp thời khắc phục, sửa chữa các cột điện, đường dây điện, hệ thống điện bị hư hỏng, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Từ đêm 7/9 đến chiều 8/9, các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng đã cơ bản khắc phục xong hậu quả do bão số 3 gây ra. Đến chiều 12/9 tỉnh Nam Định đã kiểm soát được tình hình ngập úng. Riêng tại thành phố Nam Định, dù lượng mưa trong bão và sau bão số 3 cao nhất từ trước đến nay, nhưng thành phố cũng đã làm tốt công tác tiêu thoát nước nội đô, không còn tình trạng ngập úng phức tạp, kéo dài như mọi khi; đến chiều 13/9/2024 hầu hết các tuyến đường trong thành phố đã được tiêu thoát nước. Tại sự cố bão, lũ làm mất điện, nhà máy cung cấp nước sạch phường Nam Phong và Nam Vân bị ngập trong nước không thể hoạt động được, thành phố Nam Định đã quyết liệt chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định phối hợp với các địa phương khẩn trương ứng cứu 20 lượt xe bồn chở nước sạch, hơn 500 bình nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cấp thiết cho người dân. Thành phố cũng chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định khẩn trương đấu nối nước sạch tại 2 phường này với hệ thống cấp nước của công ty ở khu vực an toàn lân cận; đến 14 giờ 30 ngày 14/9 đã hoàn thành đấu nối, cấp nước sạch trở lại cho trên 2.200 hộ dân.
Trong quá trình kiểm tra tại tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đều ghi nhận sự nỗ lực khắc phục khó khăn và những kết quả tích cực kể trên trong công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại do siêu bão số 3, mưa lũ sau bão gây ra của toàn thể chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định.
Tích cực khắc phục khó khăn, khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh động viên người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt sau bão lụt. |
Hiện tại, tỉnh Nam Định tiếp tục bám sát diễn biến thực tế, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan đến khắc phục hậu quả và tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão lũ. Chú trọng thăm hỏi, động viên nhân dân, doanh nghiệp vùng sơ tán, bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão gây ra; đảm bảo nơi ở và các điều kiện sinh hoạt để người dân yên tâm cư trú trong thời gian sơ tán; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà (khi nước rút và đảm bảo tuyệt đối an toàn), hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.
Tập trung huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng; tranh thủ thu hoạch các diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất; hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, vùng nuôi, đảm bảo an toàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh sau bão, mưa lũ đảm bảo yêu cầu. Rà soát, kiểm tra và xử lý khắc phục các hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều để đảm bảo an toàn công trình. Tập trung sửa chữa, khôi phục hệ thống điện, viễn thông tại những nơi xảy ra sự cố, bảo đảm cấp điện cho công tác phòng chống ngập úng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tiếp tục rà soát, thống kê các thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân kịp thời theo hướng dẫn của cấp trên và theo quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin