Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Trực Ninh đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trực Ninh đã giúp bà Mai Thị Nguyệt ở xóm 2, xã Liêm Hải mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. |
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS), Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh đã chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các chương trình cho vay trực tiếp có ủy thác. Thông qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chuyển tải kịp thời, thuận tiện, an toàn nguồn vốn TDCS xã hội đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy thế mạnh trong việc tham gia bình xét đối tượng, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của người vay, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng chí Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết: “Trong 8 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh đã bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về TDCS; đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm đối với TDCS, quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của tỉnh, huyện sang cho Ngân hàng CSXH huyện”. Mặt khác, tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương, Chi nhánh đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư, kể cả từ nguồn tiền tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện tại, Phòng giao dịch đang đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình trên địa bàn. Ngân hàng CSXH huyện cam kết sẽ chủ động cân đối nguồn vốn được giao kết hợp với nguồn vốn đối ứng của địa phương để phân bổ vốn hợp lý, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân.
Tính đến hết tháng 8/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH huyện đạt 421,9 tỷ đồng, tăng 12,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 98% kế hoạch được giao. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân được 66,7 tỷ đồng, nâng tổng số hộ còn dư nợ TDCS trên địa bàn toàn huyện là 11.744 hộ. Nhiều chương trình TDCS đạt tỷ lệ giải ngân cao, hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra như cho vay học sinh, sinh viên 6,5 tỷ đồng (101%), cho vay hộ cận nghèo 88,7 tỷ đồng (100%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 153 tỷ đồng (95%), cho vay giải quyết việc làm 75 tỷ đồng (101%)... Tỷ lệ nợ quá hạn luôn được giữ ở mức thấp, chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ.
Tại xã Liêm Hải, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của xã tính đến hết tháng 8/2024 đạt 30,7 tỷ đồng với 720 hộ vay còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho vay qua Hội Nông dân là 17 tỷ đồng với 401 hộ vay, dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ là 13,7 tỷ đồng với 319 hộ vay. Toàn xã hiện có 21 tổ tiết kiệm và vay vốn với 723 thành viên. Bà Trần Thị Hương ở xóm 3 thôn Hải Lộ Thượng từng bước thoát nghèo bền vững từ vốn TDCS. Gia đình bà Hương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm để lại mình bà với 2 con nhỏ cùng mẹ già; một mình bà quán xuyến mọi công việc trong gia đình, từ việc chăm sóc, nuôi dạy con đến việc lo kinh tế. Được Hội Phụ nữ tạo điều kiện, năm 2016, bà Hương đã vay 35 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để đầu tư máy may công nghiệp. Từ những đồng vốn vay ban đầu cùng với sự chăm chỉ không kể ngày đêm, bà Hương đã từng bước chủ động ổn định được kinh tế gia đình, bà đã vươn lên thành hộ cận nghèo. Không chỉ tiếp vốn, Ngân hàng CSXH huyện còn tạo điều kiện để bà vay vốn chương trình học sinh, sinh viên và nước sạch để hỗ trợ sửa chữa căn nhà cũ và nuôi con ăn học, có công ăn việc làm ổn định sau khi ra trường. Hiện tại, dư nợ của gia đình tại Ngân hàng CXH huyện là 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện còn tiếp sức cho nhiều gia đình ở thôn Hải Lộ Thượng phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định. Bà Mai Thị Nguyệt ở xóm 2 cho biết: “Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình tôi đã đầu tư 2 máy cắt cùng kho xưởng nguyên liệu rộng hơn 100m2 để phát triển gia công ngành nghề may mặc. Hiện tại, xưởng của chúng tôi có 7 lao động thường xuyên, doanh thu hàng tháng đạt 60 triệu đồng/tháng. Nhờ có nguồn vốn CSXH luôn đồng hành, gia đình tôi đã từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Để chương trình TDCS tiếp tục đạt hiệu quả cao, các tháng cuối năm 2024, Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh sẽ chủ động tham mưu cho UBND huyện quan tâm chỉ đạo dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung uỷ thác qua ngân hàng để nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng TDCS xã hội. Tích cực phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS được uỷ thác. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch tại xã. Ngoài ra, Phòng giao dịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hoạt động tín dụng và thông tin kịp thời về các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, đối tượng chính sách khác; triển khai kiểm tra, giám sát toàn diện việc sử dụng vốn theo kế hoạch. Tổ chức tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong mạng lưới, đồng thời phát động các phong trào thi đua nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin