Doãn Quang Hùng
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy
Từ một huyện thuần nông, đến nay nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp. 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 4.559 tỷ đồng, đạt 57,88% kế hoạch, tăng 14,12% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 665,4 tỷ đồng, bằng 666,09% so với cùng kỳ năm 2023.
Trải qua nhiều lần nhập, tách địa giới, thay đổi địa danh trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm khai hoang, lập đất, lập làng, các thế hệ người dân huyện Giao Thủy luôn đoàn kết, đồng lòng, dũng cảm sáng tạo xây dựng quê hương. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, sự năng động sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đoàn kết đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong huyện, Giao Thủy đã có bước đột phá mạnh mẽ trong đầu tư phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tháng 9/2020, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến 65,58km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã được khởi công tại vị trí thuộc xã Giao An (Giao Thủy). Ngày 30/6 vừa qua, đoạn tuyến giao thông này mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ đây, giao thông của tỉnh Nam Định, trong đó có huyện Giao Thủy nhập làn vào tuyến đường bộ ven biển - là một trong những trục đường quan trọng nhất của quốc gia và là một trong các định hướng phát triển quan trọng của các tỉnh duyên hải miền Bắc về thương mại, du lịch, kinh tế biển; rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia. Bên cạnh đó, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển đã được tỉnh đầu tư đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào khai thác với việc nhập làn vào trục giao thông này, sẽ giúp huyện Giao Thủy lưu thông, kết nối thuận lợi hơn từ nhiều hướng tuyến. Các trục giao thông huyết mạch, kết nối này đã giúp Giao Thủy không chỉ khắc phục nhược điểm về giao thông, xoay chuyển từ vị thế đường “cụt” thành điểm đầu nhập tuyến đường bộ ven biển, kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm năng động như Quảng Ninh, Hải Phòng; từ đó, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư. Tranh thủ nắm bắt những lợi thế mới này, Giao Thủy tăng tốc, đẩy nhanh lộ trình, tiến độ, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng chiến lược có ý nghĩa lâu dài, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của huyện. Tiêu biểu như các dự án chỉnh trang, cải tạo vỉa hè thị trấn Ngô Đồng; các tuyến đường: Cồn Nhì - Giao Thiện (đường Hữu sông Hồng), Thiện - Lâm (đoạn Giao Hải - thị trấn Quất Lâm); Lạc Lâm (đoạn Cồn Nhất - chợ Vọng); Giao Tiến - Giao Tân - Giao Thịnh (đường Tả sông Sò); Giao Hà - Giao Xuân (kết nối từ Quốc lộ 37B ra đường bộ ven biển); cải tạo cầu Diêm; xây dựng mới cầu vòm Giao Nhân; kè kênh Giao Sơn; đầu tư cải tạo xây dựng khu vực bãi tắm Quất Lâm; xây dựng các khu dân cư tập trung...
Huyện cũng chủ động làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; đảm bảo cơ bản chủ động tất cả các quy hoạch liên quan đến đầu tư danh mục dự án xây dựng, bố trí, cung ứng quỹ đất phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh để làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Trong đó, huyện đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh 12 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện với tổng diện tích 812ha; 6 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 2410ha (KCN Hải Long 1.100ha, KCN Thịnh Tân 400ha, KCN Giao Thịnh 200ha, KCN Lạc Xuân 210ha, KCN Thanh Hương 250ha). Vị trí của các khu, CCN trên địa bàn huyện đa số đều bám tuyến đường ven biển để thuận lợi cho các hoạt động đi lại vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa. Trong phương án quy hoạch phát triển khu du lịch, bất động sản, nghỉ dưỡng toàn tỉnh, huyện Giao Thủy được quy hoạch phát triển Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu du lịch sinh thái quy mô 15 nghìn ha, khu du lịch biển Quất Lâm quy mô 195ha, khu du lịch đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Giao Thủy gồm tổ hợp nhà ở, dịch vụ nghỉ dưỡng, thể thao, sân gôn quy mô 270ha và khu du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, sân golf, vui chơi cao cấp Bạch Long quy mô 250ha.
Một trong những điểm nhấn về cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của Giao Thủy thời gian qua là tích cực cải cách, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Huyện quyết liệt cải cách hành chính, cắt giảm hội họp không cần thiết, dành thời gian tiếp cận, bám sát nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn để nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh. Thay vì giao cho từng cơ quan giải quyết riêng lẻ, huyện làm đầu mối tổ chức một buổi với sự tham gia của tất cả các phòng, ban, đơn vị liên quan để tiến hành giải quyết tháo gỡ các vấn đề theo hướng nhanh gọn nhất. Đến với Giao Thủy, các nhà đầu tư còn được huyện chủ động hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cung ứng quỹ đất sạch; tránh được các tình huống tiêu cực khi nhà đầu tư phải trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng, giảm chi phí tiếp cận quỹ đất công nghiệp.
Nền kinh tế Giao Thuỷ phát triển với tốc độ khá, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ ngày một tăng nhanh. |
Với mong muốn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về địa phương, thay vì như ngồi chờ các nhà đầu tư tự tìm đến như nhiều năm trước, thời gian gần đây huyện tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh như: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 và Xúc tiến đầu tư tỉnh; tham gia Đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư trực tiếp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand… Huyện cũng chủ động liên hệ, gửi thư mời, quan tâm duy trì thắt chặt mối quan hệ với các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp chiến lược trong và ngoài nước. Nhờ đó huyện đã tiếp cận và ký được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác: 3 trong 9 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 và Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức hồi đầu năm là dự án vào địa bàn Giao Thủy gồm: Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) khảo sát, nghiên cứu đầu tư hạ tầng KCN Hải Long (quy mô 1.100ha); Tập đoàn Flamingo khảo sát, nghiên cứu đầu tư khu du lịch sinh thái; Công ty Cổ phần Tập đoàn An Thịnh khảo sát, nghiên cứu đầu tư khu nghỉ dưỡng, tắm biển, thể dục thể thao, sân golf, vui chơi cao cấp ven biển… Trong đó, hiện dự án xây dựng hạ tầng KCN Hải Long quy mô khoảng 1.100ha đã được tập trung triển khai các thủ tục để sớm khởi động thi công.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư, bao gồm các tập đoàn lớn như SunGroup, VinGroup... đã tiếp cận, xúc tiến và có phương án dự định triển khai đầu tư tại địa bàn huyện. Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng Giao Yến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Giao Yến với tổng vốn đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng. Công ty TNHH quốc tế Kam Fung Việt Nam (doanh nghiệp nước ngoài) đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác dự án đầu tư hạ tầng CCN Thịnh Lâm (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ đã đầu tư xây dựng CCN Giao Thiện với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng... Các KCN Hải Long, Thịnh Tân, Lạc Xuân đang được thúc đẩy các công việc liên quan để có thể sớm khởi công xây dựng dự án; 6 CCN đã có các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát. Với kết quả phát triển hạ tầng công nghiệp như vậy, Giao Thủy tăng thêm cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ của địa phương... Cùng với đó các doanh nghiệp đang đầu tư hoạt động trên địa bàn đang góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương như: Công ty May ProSport Giao Thủy, Giao Yến, Hồng Thuận (trên 4.000 công nhân), Công ty TNHH Giày Sunshai Bình Hòa (trên 500 công nhân), Công ty Nice Power Giao Tiến trị giá trên 500 tỷ đồng, Công ty TNHH May Thiên Sơn Nam Định đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc tại xã Giao An với tổng vốn gần 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất hàng may mặc, túi xách và giày dép xuất khẩu tại xã Giao Thanh với tổng vốn trên 100 tỷ đồng…
Giai đoạn tới, Giao Thủy tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp thúc đẩy thu hút đầu tư. Tập trung bố trí nguồn lực, tăng tốc đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm như: các tuyến đường trục chính, có tính kết nối, liên thông giữa các xã, thị trấn trong huyện với tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường trục mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; xây dựng thêm mới bến xe Giao Thiện và các bến thủy, cảng tại các xã Hồng Thuận, Giao Thiện; cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới các khu đô thị, khu dân cư tập trung... Thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo trong thu hút đầu tư của tỉnh là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân; không thu hút đầu tư vào các ngành nghề may mặc, giày da; chú trọng thu hút các dự án ít thâm dụng nhân công, không gây ô nhiễm môi trường, thu nhập của người lao động ở mức khá trở lên; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ngành điện, điện tử công nghệ cao; khuyến khích các dự án phát triển du lịch sinh thái khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh và bảo tồn Vườn quốc gia Xuân Thủy, phát triển và xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng tại đô thị Quất Lâm (Giao Phong, Quất Lâm và Giao Thịnh).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin