Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hội viên nông dân xã Giao Hải phát triển khai thác, kinh doanh hải sản. |
Nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp HND trong huyện chú trọng vận động tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện với tổng trên 2 tỷ đồng. Nguồn vốn của Trung ương Hội, Tỉnh Hội ủy thác 2,2 tỷ đồng, cho 214 hộ vay phát triển các mô hình kinh tế. HND các cấp cũng đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vay phát triển sản xuất, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội với tổng dư nợ đạt 202 tỷ 108 triệu đồng cho 5.833 hộ vay. Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, cung ứng vật tư đầu vào; hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân. Hàng năm, HND huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh), các trường dạy nghề tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho hội viên, nông dân. Trong 8 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên với các nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, may công nghiệp, uốn tỉa cây cảnh… Qua đó, nhiều học viên đã áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các cấp Hội trong huyện còn cung ứng 53 tấn phân bón lót, bón thúc cho cây lúa, cây màu và 0,4 tấn thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2.852 lượt hội viên, nông dân; phối hợp với Công ty Sinh học Nhiệt đới và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức 10 hội nghị chuyển giao kỹ thuật sử dụng một số chế phẩm sinh học phục vụ cho cây trồng và truyền thông chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho hơn 1.500 hội viên nông dân tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật phòng và điều trị bệnh trong chăn nuôi gia súc gia cầm, khai thác nuôi trồng thuỷ sản… giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất.
Hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được các cấp Hội quan tâm. Các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa các sản phẩm tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và đăng ký sản phẩm OCOP hàng năm; phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm OCOP lên Sàn thương mại điện tử Postmart.vn; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 108 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng 3-4 sao.
Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn tiếp tục triển khai Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW của BCH Trung ương HND Việt Nam về việc tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2020-2025; đồng thời xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như: mô hình trồng rau sạch trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Giao Hà; mô hình HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc xã Giao Tân; mô hình trồng nấm tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Thuận; mô hình nuôi tôm thẻ trên ao nổi có mái che tại xã Giao Thiện. Đến nay, toàn huyện có 1 HTX, 20 tổ hợp tác, 4 chi hội và 15 tổ hội nông dân nghề nghiệp do các cấp Hội vận động thành lập, đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên thông qua sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau về vốn, kinh nghiệm sản xuất, khoa học kỹ thuật...
Từ hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp HND huyện Giao Thủy, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện đã thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển ổn định, thực sự là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện. Các ngành nghề trong nông thôn phát triển như chế biến thủy hải sản, lương thực thực phẩm, cơ khí, may công nghiệp, dịch vụ… thu hút hàng nghìn lao động ở nông thôn, chủ yếu là nông dân. Đời sống nông dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Bình quân hàng năm có từ 8 nghìn đến 11 nghìn hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn, tạo điều kiện vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô tập trung các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp. Toàn huyện xây dựng được 17 mô hình cánh đồng lớn, 2 mô hình liên kết về sản xuất lúa với tổng diện tích 908,62ha; có 7 cơ sở chăn nuôi trang trại. Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, công nghệ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và trực tiếp ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất. Nhiều điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân với ý chí vươn lên không chỉ làm giàu cho bản thân mà đóng góp cho xã hội. Tiêu biểu như: Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống Sa Châu tại xã Giao Châu; Tổ hội máy nông nghiệp xã Giao Tân; Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Giao Thiện, Giao An, Giao Hải, Giao Phong, Giao Long, Bạch Long... Ông Lê Huy Điệp, Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, thị trấn Giao Thủy chuyên sản xuất máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Hùng Vương, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Hùng Vương, xã Giao Nhân với mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ông Vũ Tuấn Hiệp, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm. Các ông Trần Văn Chinh, Trần Văn Thượng, xã Giao Lạc phát triển cơ sở may váy áo cưới. Ông Nguyễn Đại Dương, xã Giao An nuôi trồng thủy hải sản. Ông Vũ Xuân Nghinh, xã Giao Thanh phát triển sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Các ông Mai Văn Vụ, Trần Minh Sơ, Nguyễn Văn Thái, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu phát triển nghề truyền thống của địa phương… Ngoài ra, tại các xã, thị trấn còn nhiều hộ nông dân tiêu biểu khác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm... qua đó khuyến khích hội viên phát triển và liên kết sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin