Hỗ trợ hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế

08:17, 11/09/2024

Cùng với thực hiện các phong trào thi đua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên, đặc biệt là hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ đó, nâng cao vai trò của tổ chức Hội, thu hút, tập hợp hội viên.

Cựu chiến binh thành phố Nam Định phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng cây dược liệu.
Cựu chiến binh thành phố Nam Định phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng cây dược liệu.

Để tạo động lực cho hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB các cấp trong tỉnh khuyến khích hội viên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất; vận động cán bộ, hội viên tham gia phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; thường xuyên rà soát thực trạng đời sống hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn để lên phương án giúp đỡ; phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn về khuyến nông, tập huấn nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên đưa cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu và đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, thu hút đông đảo hội viên tham gia; tặng trên 4.000 suất quà, trị giá trên 1 tỷ đồng cho hội viên là thương binh nặng, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức xây mới và sửa chữa, nâng cấp 29 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 877 triệu đồng.

Đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB tỉnh còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp Hội tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đến cán bộ, hội viên do CCB quản lý; tích cực tham gia với chính quyền, các đoàn thể rà soát đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện vay vốn. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), các tổ chức tín dụng tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho tổ tiết kiệm và vay vốn về công tác phân bổ, bình xét cho vay, giải ngân, thu hồi vốn, trả lãi, quản lý và hiệu quả sử dụng vốn…; đánh giá chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy chế. 6 tháng đầu năm 2024, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh kiểm tra nguồn vốn uỷ thác ở 6/10 huyện, thành phố, 6 phường, xã, thị trấn, 9 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua kiểm tra, nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, không có nợ quá hạn. Đến nay, Hội CCB tỉnh đang nhận ủy thác qua các kênh ngân hàng với tổng dư nợ trên 644 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH là trên 534 tỷ đồng; Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm của Trung ương Hội là 0,77 tỷ đồng; của UBND tỉnh là 1,63 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng khác là trên 58 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn duy trì nguồn quỹ Hội do hội viên đóng góp với số tiền gần 50 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất giúp hội viên phát triển kinh tế. Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 259 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 42 hợp tác xã, 44 tổ hợp tác, 122 trang trại, 2.173 gia trại, 1.461 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ; tạo việc làm cho trên 25 nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 13 doanh nghiệp có doanh thu 50 tỷ đồng/năm, 5 hợp tác xã, trang trại có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Số hội viên CCB nghèo của tỉnh giảm xuống, số hộ khá và giàu tăng lên. Tính đến đầu tháng 6/2024, số hộ CCB khá, giàu chiếm tỷ lệ trên 65%; số hộ CCB nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 0,13%; hộ CCB cận nghèo giảm còn 1,48%. Đặc biệt, từ trong phong trào thi đua còn xuất hiện nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi thuộc nhiều lĩnh vực được các cấp Hội khen thưởng danh hiệu “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” như: CCB Lưu Quang Trung, phường Hạ Long, Giám đốc Công ty TNHH May Đại Trung, mở xưởng, thành lập công ty chuyên may quần áo xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu…, tạo việc làm cho 40 lao động, với thu nhập từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Tại huyện Vụ Bản, CCB Nguyễn Đình Huy, thôn An Duyên, xã Đại An đã chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mở trang trại VAC, diện tích lên đến 15 nghìn m2 nuôi các loại cá giống, cá thịt và cá cảnh, hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Tại xã Nam Điền (Nam Trực) các CCB: Vũ Viết Hoa, Vũ Mạnh Hùng, Đỗ Duy Chinh mạnh dạn đầu tư vốn, nâng cao tay nghề phát triển các nhà vườn trồng cây cảnh, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 100 lao động, hàng năm trừ chi phí thu về từ 500-700 triệu đồng/nhà vườn. CCB Đặng Văn An, xóm Đông Thành, xã Nam Hồng (Nam Trực) sau khi xuất ngũ trở về địa phương đã không cam chịu nghèo khó mở xưởng dệt, thành lập Công ty TNHH Dệt may Trường An, chuyên sản xuất các loại khăn mặt, khăn ăn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại chỗ và vệ tinh với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí ông An thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi. Ở huyện Hải Hậu, CCB Trần Ngọc Quân, thị trấn Thịnh Long đã nắm bắt thời cơ để phát triển kinh tế gia đình từ sản xuất sợi PE cho thu nhập cao. CCB Vũ Mạnh Hùng, tận dụng vùng đất bồi ven sông Ninh Cơ để phát triển nghề làm gạch. Đến năm 2005, ông Hùng thành lập Công ty TNHH Sông Giang, chuyên sản xuất gạch tuynel, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc cho trên 100 lao động thường xuyên, mức lương từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Tại huyện Xuân Trường, hiện có hàng chục CCB mở các công ty cơ khí, đúc đồng, trang trại VAC mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, được Trung ương Hội, Tỉnh Hội CCB vinh danh gương “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi”…

Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB đã khơi dậy được tình đồng chí, đồng đội, ý chí, nghị lực, thế mạnh của hội viên trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống hội viên, thúc đẩy kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com