Giải pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ

08:03, 13/09/2024

Thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hoạt động SHTT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các sản phẩm gạo OCOP của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Các sản phẩm gạo OCOP của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành rà soát, lồng ghép chính sách, giải pháp, đưa việc thực hiện Chiến lược SHTT vào chương trình, đề án của ngành, địa phương. Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả SHTT như: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 77/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh lồng ghép những nội dung quan trọng của Chiến lược SHTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; Ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ, triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 9/5/2023 phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 137/KH-UBND ngày 19/10/2023 hỗ trợ chuyển đổi số và tư vấn xác lập quyền SHTT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương năm 2023…

Từ năm 2019 đến nay, Sở KH và CN đã hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn hàng trăm lượt cơ sở thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT; chủ trì, phối hợp tổ chức 15 hội thảo, tập huấn cho hơn 1.500 người tham dự thuộc nhiều đối tượng như sinh viên, doanh nghiệp, cán bộ quản lý. Hướng dẫn đăng ký xác lập quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học; phát triển kênh thương mại cho sản phẩm OCOP của địa phương; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; đào tạo định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Phát hành nhiều ấn phẩm tuyên truyền về SHTT như: 2.000 cuốn tài liệu “Những ý tưởng táo bạo - Cẩm nang về SHTT dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp”; 7.000 cuốn truyện tranh tuyên truyền về nhãn hiệu, sáng chế cho học sinh… Ngành NN và PTNT đã tư vấn, hướng dẫn 130 cơ sở xây dựng phần mềm định danh điện tử, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất, truy xuất nguồn gốc và chống gian lận thương mại; tổ chức hỗ trợ và tạo điều kiện cho 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng chủ lực của tỉnh nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện đăng ký bản quyền tác giả và quyền liên quan cho 100 tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Các cơ quan thực thi đã phát hiện, xử lý trên 40 vụ có hành vi xâm phạm quyền SHTT, chủ yếu là xử lý xâm phạm quyền nhãn hiệu.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở KH và CN đã hỗ trợ, tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 6 sản phẩm (cơ khí xã Xuân Tiến; sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định; mật ong rừng sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy; Phở xưa Nam Định; tơ lụa Cổ Chất; nếp bắc Nghĩa Bình) là đặc sản, sản phẩm truyền thống mang tên địa danh của địa phương trong tỉnh nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ 4 đơn vị, hiệp hội (Hiệp hội Cơ khí xã Xuân Tiến, Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định, Vườn quốc gia Xuân Thủy, Hội văn hóa ẩm thực) xây dựng mô hình quản lý, kiểm soát nhãn hiệu. Hỗ trợ 58 tổ chức, cá nhân về nhãn hiệu, 1 sáng chế; hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho 150 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của tỉnh, 35 sản phẩm OCOP riêng của huyện Hải Hậu; hỗ trợ 10 sản phẩm OCOP xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu…

Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược SHTT đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đã phát huy tốt tài sản trí tuệ này nhằm nâng cao vị trí, uy tín, năng lực cạnh tranh, thị phần và tăng doanh thu. Điều này thể hiện rõ ở một số sản phẩm đặc sản của địa phương sau khi đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đã gia tăng sản xuất, giá thành sản phẩm góp phần tăng năng suất lao động, việc làm cho người dân như: nước mắm Lâm Bão sản lượng 1,2 triệu lít/năm, ước thu về khoảng 100 tỷ đồng/năm; mật ong rừng sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy thu hoạch 70-80 tấn/năm, ước thu về khoảng 90 tỷ đồng/năm; doanh thu của các cơ sở bình quân đạt 350-400 triệu đồng/năm, thu nhập người lao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, hoạt động SHTT đã góp phần bảo vệ lợi ích người sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo uy tín, chất lượng đối với các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, qua đó giúp phân biệt sản phẩm vùng, miền với khu vực khác.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như công tác tuyên truyền, phổ biến về SHTT chưa đạt hiệu quả cao; sự quan tâm của một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp còn hạn chế; các hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn về tài sản trí tuệ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế số lượng sản phẩm của địa phương được hỗ trợ thực hiện trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ còn hạn chế bởi các lý do khách quan như: hoạt động sản xuất của từng cơ sở còn riêng lẻ, chưa có tính tập trung; các tổ chức, doanh nghiệp năng lực còn yếu, khó quy tụ trong sản xuất, kinh doanh chung. Đặc biệt các chủ thể SHTT chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tiếp tục bám sát mục tiêu và nội dung Chiến lược SHTT để xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng về các chính sách, pháp luật SHTT và lợi ích, giá trị của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Tập trung hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc thù và sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, sản phảm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm thúc đẩy hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; phát triển sàn giao dịch tài sản trí tuệ để tăng cường liên kết cung cầu về tài sản trí tuệ. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp ở địa phương và các hội, hiệp hội, HTX về SHTT nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com