Giải pháp thúc đẩy cải thiện năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp

08:48, 26/09/2024

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố lồng ghép thực hiện các nội dung của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá và đã đạt kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam (thành phố Nam Định) là một trong những đơn vị tích cực đổi mới phương pháp quản lý, điều hành nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam (thành phố Nam Định) là một trong những đơn vị tích cực đổi mới phương pháp quản lý, điều hành nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

Ngành KH và CN đã triển khai các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, gắn hoạt động KH và CN với sản xuất và đời sống. Nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là của doanh nghiệp về hoạt động năng suất, chất lượng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới phương pháp quản lý, điều hành; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn, các công cụ quản lý cải tiến, công bố sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy…, nhờ đó đã cắt giảm lãng phí trong hoạt động sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, giảm thiểu các sản phẩm sai lỗi, kém chất lượng. Điển hình như các đơn vị Công ty TNHH Nam Dược (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường), sau khi áp dụng công cụ quản lý 5S thì năng suất lao động đã tăng trung bình trên 20%; Công ty Cổ phần May Nam Hà (thành phố Nam Định) áp dụng các công cụ quản lý ISO 9000, Lean, Six Sigma giúp tăng năng suất tổng thể lên 23%; Công ty Cổ phần Minh Tư (Trực Ninh), Công ty TNHH Công Phượng (Hải Hậu) áp dụng quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAHP nên sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng, được người tiêu dùng tín nhiệm…

Tuy nhiên, theo Sở KH và CN, mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song các chương trình, dự án nâng cao năng suất, chất lượng thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn về năng suất, chất lượng còn rất thiếu; nguồn kinh phí sử dụng chủ yếu từ ngân sách địa phương còn hạn chế. Mặt khác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp vừa, nhỏ nên nhận thức và sự quan tâm, chủ động thực hiện các cải tiến còn chưa đầy đủ. Do đó, phong trào năng suất, chất lượng mới được triển khai ở bề rộng; việc duy trì, phát triển và tạo lập văn hóa năng suất vẫn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp. 

Ngày 9/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về “Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH và CN và đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định đến năm 2030” với mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của KH và CN. Áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Triển khai các nhiệm vụ KH và CN; hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương. Để hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu, hoạt động cải tiến năng suất, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ… 

Trước thực trạng doanh nghiệp của tỉnh hầu hết là vừa và nhỏ, nên cam kết tham gia các hoạt động cải tiến năng suất của doanh nghiệp còn hạn chế, tỉnh đã chỉ đạo lựa chọn, tổ chức triển khai hỗ trợ 30 đơn vị chứng nhận sản phẩm hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, môi trường, năng lượng, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, truy xuất nguồn gốc và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất; 3 mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất tiên tiến. Nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất là hết sức cần thiết để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và triển khai thực thi tại doanh nghiệp nên tỉnh sẽ tập trung đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia năng suất đạt tiêu chuẩn quốc gia; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan để hỗ trợ tốt cho phong trào năng suất, chất lượng tại địa phương; trang bị kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của doanh nghiệp để chủ động triển khai giải pháp cải tiến năng suất tại đơn vị. Phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại 2-5 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề để hình thành mạng lưới các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, các hoạt động hợp tác nghiên cứu giải pháp nâng cao năng suất.

Thời gian qua, Sở KH và CN đã triển khai một số nội dung hoạt động lĩnh vực năng suất, chất lượng như tham gia các hội nghị, hội thảo và tổ chức các lớp tập huấn về năng suất, chất lượng cho cán bộ công chức của sở quản lý chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Tháng 8/2024, Sở KH và CN đã tổ chức hội nghị tập huấn “Giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp để phát triển bền vững”. Hội nghị đã cung cấp các giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh bền vững trên nền tảng áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, phù hợp với đơn vị.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từng doanh nghiệp cũng phải nâng cao nhận thức về yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn và phải xuất phát từ doanh nghiệp mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Từ đó mới lựa chọn được giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả đối với doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình để phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com