Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, năng động trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương, của tỉnh.
Ông Trịnh Văn Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Diện xã Trực Chính (Trực Ninh) kiểm tra sinh trưởng của lúa. |
Ông Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Cồn (Hải Hậu) nhiều năm qua đã thành công với mô hình nuôi trồng nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm. Năm 1998, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Văn Thành đã phát triển kinh tế bằng nghề đánh bắt hải sản và sản xuất muối biển song thu nhập không ổn định, hiệu quả không cao. Do có quen biết một số bạn bè ở các địa phương có nghề trồng nấm nên ông đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và quyết định đưa nghề trồng nấm về địa phương. Ông đăng ký học một khóa đào tạo về trồng nấm, sản xuất nấm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ban đầu, ông xây dựng trang trại trồng nấm với quy mô khoảng 1.000m2; tập trung sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm mỡ. Trong quá trình sản xuất nấm, nhận thấy mô hình kinh tế tập thể đem lại nhiều hiệu quả, năm 2014, ông đã đứng lên thành lập HTX dịch vụ Linh Phát, hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 8 thành viên tham gia. HTX dịch vụ Linh Phát do ông Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có ngành nghề sản xuất chính là nuôi trồng, sản xuất các loại nấm, trong đó sản phẩm chủ lực là nấm linh chi, ngoài ra còn có nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm chế biến từ nấm. HTX được tổ chức trên cơ sở liên kết các cá nhân, hộ gia đình, trên nguyên tắc tự nguyện và cùng hưởng lợi. HTX đã tăng cường liên kết giữa các thành viên HTX và các đơn vị liên quan; xây dựng kết cấu hạ tầng chung phục vụ sản xuất của thành viên, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất của thành viên; hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình và người nông dân trong các công đoạn lựa chọn giống nấm, phôi giống nấm, thu hoạch và bảo quản nông sản; đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết với nhà sản xuất, cung cấp vật tư, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt, ông Thành đã thống nhất với các thành viên HTX áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất. Ông Thành cho biết: Quá trình trồng các loại nấm, đặc biệt là nấm linh chi đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mẩn trong từng công đoạn, trong đó quy trình chọn giống phải phù hợp với thời tiết, nguồn nước tưới vùng khí hậu ven biển. Giống nấm tuyển chọn được chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm. HTX đã áp dụng quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng, sản xuất nấm sạch khép kín với nguyên liệu hữu cơ tự nhiên như mùn cưa, rơm rạ. Toàn bộ dây chuyền hệ thống sản xuất nấm sạch được đồng bộ từ nhà chứa nguyên liệu, nhà ủ, sàng lọc nguyên liệu, khu vực đóng bịch phôi giống nấm, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm sau khi hấp thanh trùng, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm. Trong quá trình chăm sóc nấm phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở để có nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, qua đó xây dựng thương hiệu của HTX dịch vụ Linh Phát. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm Rượu linh chi, Nấm linh chi, Nấm bào ngư Linh Phát. HTX đang tạo việc làm cho tổng số 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất của HTX được xây dựng quy củ, phát triển bền vững nên đã thu hút nhiều hộ nông dân tới tham quan, học tập kinh nghiệm.
Với sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng thị trường, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và Cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) do ông Mai Văn Khang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc nhiều năm qua đã đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, chế biến các mặt hàng có giá trị kinh tế cao từ lúa gạo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài chế biến nông sản, HTX còn sản xuất, kinh doanh máy làm đất, máy gặt, máy đập lúa, máy bơm, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy bóc, tách hạt, máy làm nấm, máy đóng bịch nấm, máy chế biến thực phẩm, máy sấy nông sản, các loại máy chế biến gỗ; sản xuất nồi hơi, buồng hấp khử trùng; sản xuất, gia công hàng cơ khí… Với vai trò lãnh đạo HTX, ông Khang đã tạo điều kiện cho các thành viên chủ động trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; đồng thời tạo việc làm, dạy nghề cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề chế biến bánh đa nem, mì gạo đạt 4,5-6 triệu đồng/người/tháng; lao động làm nghề cơ khí đạt 10 triệu đồng/người/tháng…
Đó chỉ là 2 trong nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tập thể, HTX nói riêng của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra phải kể đến các điển hình năng động trong phát triển kinh tế tập thể, HTX như: Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường). Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nuôi trồng chế biến thủy sản Hải Điền (Hải Hậu). Ông Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy). Ông Trịnh Văn Diện, Giám đốc HTX Nông nghiệp Minh Diện, xã Trực Chính (Trực Ninh)… Toàn tỉnh đã có trên 400 công ty, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị là người Công giáo. Thực tế cho thấy, các HTX này đã phát huy vai trò thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin