Đổi mới ngành trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu

08:06, 24/09/2024

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan, dị thường đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng các loại nông sản và giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành.

Mô hình sử dụng máy phối trộn rơm, rạ để sản xuất phân hữu cơ phục vụ gieo trồng cây rau màu theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã Sản xuất, Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).
Mô hình sử dụng máy phối trộn rơm, rạ để sản xuất phân hữu cơ phục vụ gieo trồng cây rau màu theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã Sản xuất, Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).

Mỗi năm Nam Định có hơn 200 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 150 nghìn ha cấy 2 vụ lúa xuân và mùa. Việc canh tác còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH. Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi thủy sản, nhất là nông dân, từ làm theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học kỹ thuật, chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thời tiết, khí hậu bất lợi. Cụ thể, nhằm tạo quỹ thời gian cho sản xuất vụ mùa và vụ đông, ngành Nông nghiệp đã định hướng các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tăng cường cơ giới hóa khâu thu hoạch đảm bảo nhanh, gọn lúa vụ xuân; đồng thời tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất để đẩy nhanh tiến độ; thu hoạch lúa xuân đến đâu tổ chức làm đất đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm, rạ nhanh, hạn chế tối đa hiện tượng ngộ độc trong đất, ảnh hưởng đến lúa cấy vụ mùa. Triển khai gieo cấy lúa vụ mùa đúng lịch và trong khung thời vụ tốt nhất; sử dụng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, chất lượng và một số giống lúa kháng bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Cùng với việc thay đổi về phương thức chỉ đạo sản xuất, việc quy hoạch vùng sản xuất cũng được chú trọng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, tập quán, tâm lý canh tác của nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 400 cánh đồng lớn tổng diện tích 18.599ha với 3.916ha được các doanh nghiệp, HTX nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trong đó, có 374 cánh đồng lúa với diện tích 17.758ha và 25 cánh đồng lớn chuyên canh cây màu, cây dược liệu tổng diện tích 814ha. Việc xây dựng “cánh đồng lớn” là cơ sở quan trọng để hình thành, duy trì ổn định 39 chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh gắn với tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giống lúa lai, lúa thuần của Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty Cổ phần Sản xuất tổng hợp Xuân Trường (Xuân Trường); chuỗi liên kết sản xuất lúa, gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên), Công ty TNHH Quỳnh Thanh (Trực Ninh) với các HTX nông nghiệp và hộ nông dân ở các huyện: Trực Ninh, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản và thành phố Nam Định; mô hình sản xuất phân hữu cơ để gieo trồng rau an toàn theo hướng VietGAP và công nghệ Nhật Bản của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên); chuỗi liên kết của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát với một số cơ sở giết mổ lợn đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; chuỗi liên kết chế biến ngao sạch, ngao đông lạnh, thịt ngao đóng hộp của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tại Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).

Không chỉ thúc đẩy phát triển, xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH tại các địa phương, ngành Nông nghiệp còn chú trọng thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các HTX nông nghiệp, nhất là nông dân, thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại; tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Trong năm qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức thành công 1 hội nghị xúc tiến thương mại nông nghiệp và khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; tổ chức Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn có sự tham gia của 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX với trên 850 lượt sản phẩm tại thành phố Nam Định; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh tham gia 20 đợt hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh… Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT còn tư vấn, hỗ trợ 44 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 82 sản phẩm, xây dựng nhãn, mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng hệ thống bán lẻ nông sản. Nhờ đó đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn phối hợp thực hiện tốt chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh của Nhật Bản, các dự án trồng rừng ứng phó với BĐKH do Quỹ Khí hậu xanh và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ… Thông qua các hoạt động trên đã giúp các hộ nông dân dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, trong canh tác lúa giảm được lượng giống, giảm 10-20% lượng phân bón hóa học sử dụng trong chăm sóc cây trồng; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác truyền thống. Biết cách bón phân phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, rau màu; chủ động canh tác, thích ứng với các hình thái khí hậu như hạn hán, mưa, lũ, xâm nhập mặn. Chủ động tận dụng nguồn rơm rạ, phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để tái sản xuất phân bón hữu cơ, hoặc làm nguyên liệu, giá thể sản xuất các loại cây trồng khác (trồng nấm), giảm phát thải ra môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường nước, đất và nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất.

Thích ứng tốt với BĐKH là yêu cầu cấp thiết để ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương cần nhận thức sâu sắc về những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, từ đó tích cực, chủ động vào cuộc quyết liệt, đẩy mạng công tác tuyên truyền, vận động và áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp để nông dân làm theo, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com