Những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm... diễn ra phức tạp cả ở môi trường kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó phát hiện. Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh cùng sự chủ động phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã được triển khai hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại.
Lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh phối hợp kiểm soát hàng hóa tại một tổng kho bán lẻ trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 795 vụ việc gian lận thương mại. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 38,248 tỷ đồng (phạt vi phạm hành chính trên 11,496 tỷ đồng; truy thu thuế gần 26,346 tỷ đồng). Nhiều vụ việc gian lận thương mại được phát hiện có quy mô lớn ở cả kênh thương mại truyền thống và kinh doanh trực tuyến. Trong đó, hàng chục vụ việc vi phạm liên quan đến thương mại điện tử đã bị phát hiện, xử lý phạt tiền gần 100 triệu đồng như: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, thời trang. Tại thành phố Nam Định, Cục QLTT Nam Định phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã phát hiện kho hàng sản xuất, kinh doanh 1.400 sản phẩm quần áo may sẵn (của cả người lớn và trẻ em) giả mạo 2 nhãn hiệu lớn đang được bảo hộ tại Việt Nam là Chanel và Adidas quảng cáo trên giao diện thương mại điện tử. Hay như vụ việc phát hiện, xử lý hộ kinh doanh Bùi Văn Tuyên ở xã Mỹ Lộc (thành phố Nam Định) trưng bày, kinh doanh 130 chai khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) loại 12kg giả các nhãn hiệu Petro Phúc Thái Gas, Petro Hồng Hà, Bình An Petro, Tài Lộc… Tại cơ sở kinh doanh thực phẩm Ngọc Hường (thành phố Nam Định), các lực lượng Công an tỉnh, QLTT và Sở NN và PTNT và các lực lượng chức năng của Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện 15 loại sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu đang được bày bán… Tất cả những vụ việc này đều được lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng chí Lê Quang Tú, Cục trưởng Cục QLTT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, sự nỗ lực, phối hợp kịp thời của các ngành chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và những kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại những tháng đầu năm 2024. Việc phối hợp được tổ chức chặt chẽ từ trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, xây dựng cơ sở, quản lý địa bàn… đã giải quyết triệt để từng vụ việc, từng lĩnh vực ngành hàng. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin về dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp các lực lượng phối hợp ngăn chặt kịp thời nhiều vụ vi phạm. Cục QLTT cũng đẩy mạnh phân cấp, nhất là trong hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, nên chủ động hơn trong những tình huống khẩn cấp, từ đó ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm, giúp lực lượng có đủ sức mạnh liên tục mở rộng điều tra, lần theo dấu vết và “đánh” trúng vào đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt từ 2 năm trở lại đây khi thương mại điện tử phát triển, lực lượng QLTT còn phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại thông qua đường thư chuyển phát. Cùng với phối hợp kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng còn phối hợp với một số cơ quan báo chí đưa loạt tin bài về kết quả hoạt động chống gian lận thương mại, công khai vụ việc, hành vi vi phạm để người tiêu dùng biết và phòng ngừa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay cũng còn một số hạn chế, khó khăn, như: Số lượng vụ việc được phát hiện, xử lý về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả... vẫn còn ít so với tình hình thực tế. Công tác nắm, phân tích, nhận định, đánh giá, dự báo tình hình hoạt động của tội phạm, vi phạm pháp luật có lúc chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ở một số đơn vị chưa quyết liệt. Cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiệp vụ của một số đơn vị chưa bảo đảm. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế nên chưa chủ động, nhạy bén, sáng tạo, áp dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện đường đây, đối tượng vi phạm để tổ chức đấu tranh, triệt phá...
Thời gian tới, các ngành thành viên và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh và các bộ, ngành về chống gian lận thương mại. Tăng cường phối hợp nắm tình hình địa bàn, đẩy mạnh trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng, đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung "đánh trúng, đánh đúng" đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để theo dõi phát hiện những hành vi vi phạm trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là trên không gian mạng, nền tảng số. Thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chính sách, pháp luật liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở, chồng chéo. Trong đó, QLTT, Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành là lực lượng nòng cốt đẩy mạnh công tác phối hợp toàn diện từ cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu; tổ chức đoàn kiểm tra; kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa trên các tuyến giao thông; bàn giao, tiếp nhận, xử lý các vụ việc theo thẩm quyền.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin