Xuân Hòa giảm nghèo bền vững từ vốn tín dụng chính sách

08:27, 26/08/2024

Thời gian qua, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) đã quan tâm hỗ trợ các hộ dân tiếp cận thuận lợi vốn vay tín dụng chính sách (TDCS), tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế hộ, cải thiện thu nhập giúp nhiều người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ vốn vay tín dụng chính sách, anh Đinh Văn Sinh ở thôn Đoài Nam đã phát triển nghề đúc nhôm mỹ nghệ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Từ vốn vay tín dụng chính sách, anh Đinh Văn Sinh ở thôn Đoài Nam đã phát triển nghề đúc nhôm mỹ nghệ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Tính đến hết ngày 9/7/2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS trên địa bàn xã Xuân Hòa đạt 27,1 tỷ đồng với 561 khách hàng còn dư nợ; toàn xã không có nợ quá hạn, nợ xấu. 15 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) trên toàn xã hiện đang cho vay ủy thác 7 chương trình TDCS gồm: cho vay giải quyết việc làm; hộ cận nghèo; hộ nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên; nhà ở xã hội; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đạt kết quả trên là nhờ xã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy giải ngân vốn TDCS trên địa bàn; tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ban Giảm nghèo xã tập trung thực hiện hiệu quả các nghiệp vụ chuyên môn để bảo đảm nguồn vốn TDCS được cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển sinh kế bền vững của hộ dân, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của xã trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đồng chí Phạm Thị Bích Hợp, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Hội Phụ nữ xã đã tích cực tham mưu cho Ban giảm nghèo xã tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ TK và VV tổ chức họp và bình xét cho vay theo đúng quy định, dân chủ, công khai. Duy trì sinh hoạt tổ TK và VV hàng tháng. Hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn. Tuyên truyền, vận động các tổ viên thực hành gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ”. Bên cạnh đó, Hội còn chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách thực hiện giám sát toàn diện các hoạt động của tổ, phối hợp Ban quản lý tổ thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của 100% các hộ vay vốn trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân để nắm bắt kịp thời việc sử dụng vốn vay cũng như các rủi ro, các khó khăn phát sinh; từ đó chủ động có biện pháp giúp đỡ, động viên các hộ vay cố gắng khắc phục khó khăn, thu xếp có kế hoạch trả gốc, lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng quy định. Chất lượng hoạt động của 100% tổ TK và VV luôn xếp loại tốt, không có nợ quá hạn. Hiện Hội Phụ nữ xã quản lý 6 tổ TK và VV với tổng dư nợ gần 11 tỷ đồng với 208 hộ còn dư nợ; số dư tiết kiệm đạt 532 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay tín dụng, nhiều mô hình kinh tế sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi của các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã phát huy hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho gia đình như: chăn nuôi lợn của bà Trần Thị Hiệp ở thôn Đông Dương; sản xuất gia công hàng may mặc của ông Trần Văn Học ở thôn Đoài Ngoại; sản xuất đồ mộc gia dụng của bà Đinh Thị Xuân ở thôn Tây… Anh Đinh Văn Sinh ở thôn Đoài Nam cho biết: “Năm 2020, hoạt động xưởng tranh gỗ mỹ nghệ của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, giá gỗ tăng cao, tiêu thụ kém do thị trường bão hòa. Vì thế, gia đình đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư xưởng đúc nhôm mỹ nghệ. Lúc đó, kinh tế gia đình khá chật vật vì thiếu vốn, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn tuy không lớn nhưng đã tạo động lực để gia đình quyết tâm vượt khó khăn, vươn lên thoát nghèo”. Chăm chỉ, chịu khó, không ngừng nâng cao tay nghề, đổi mới mẫu mã theo thị trường, xưởng sản xuất nhôm mỹ nghệ của gia đình anh Sinh đã từng bước trụ vững, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và thị trường. Anh Sinh cho biết: “Xưởng sản xuất của gia đình đã được mở rộng thêm 400m2, có 10 thợ lành nghề làm việc liên tục, ngoài ra, các trang thiết bị hiện đại như máy đục CNC, máy mài, gọt tay đều được đầu tư bài bản, đồng bộ. Bình quân mỗi tháng, xưởng sản xuất và tiêu thụ được 3-5 bộ sản phẩm cổng, hàng rào, đồ nội ngoại thất nhôm mỹ nghệ. Doanh thu của xưởng đạt từ 100-200 triệu đồng/năm”. Gia trại chăn nuôi lợn của chị Trần Thị Hiệp ở thôn Đông Dương những ngày này tấp nập người vào ra hỏi mua lợn. Chị Hiệp cho biết: "Được vốn tín dụng tiếp sức 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, tôi đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn sạch với tổng đàn hơn 100 con. Dự kiến, cuối năm nay, gia đình tôi sẽ thu về hơn 100 triệu đồng".

Thời gian tới, xã Xuân Hòa tích cực quan tâm hỗ trợ, đảm bảo nguồn vốn TDCS được chuyển tải đến đúng người thụ hưởng nhanh chóng và thuận tiện nhất. Đồng thời, chỉ đạo các hội, đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn, khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng thêm thu nhập bền vững, tránh tái nghèo. Phấn đấu mỗi năm có từ 10-20 hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com