Thu hút, phân bổ hiệu quả nguồn lực kinh tế để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh

08:36, 14/08/2024

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh (QHT) Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ QHT đã đề ra. Đặc biệt, để đảm bảo thu hút và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án và đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội theo quy  hoạch, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện QHT và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 9/8/2024.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, như giao thông, điện... được tỉnh ưu tiên huy động vốn đầu tư, xây dựng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030.
Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, như giao thông, điện... được tỉnh ưu tiên huy động vốn đầu tư, xây dựng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

Theo Kế hoạch thực hiện QHT, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm khoảng 9,5% trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh phải huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (hạ tầng giao thông; đê điều, thủy lợi; đô thị; điện; khu kinh tế (KKT); khu, cụm công nghiệp (CCN)...). Tỉnh xác định trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030 cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 775 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: Giai đoạn 2021-2025 cần huy động 266 nghìn tỷ đồng (trong đó: 58 nghìn tỷ đồng vốn từ khu vực Nhà nước, 192 nghìn tỷ đồng vốn từ khu vực ngoài Nhà nước, 16 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Giai đoạn 2026-2030 cần huy động 509 nghìn tỷ đồng (trong đó: 81 nghìn tỷ đồng vốn từ khu vực Nhà nước, 361 nghìn tỷ đồng vốn từ khu vực ngoài Nhà nước, 66 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Các nguồn lực được xác định sẽ phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn; Kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, trong đó đầu tư công có tính dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư xã hội để tạo ra sự phát triển đột phá. Tập trung thực hiện các dự án có tính chất động lực thúc đẩy hình thành 4 cực tăng trưởng theo phương án QHT (là 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo gồm đô thị trung tâm với thành phố Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn (TT) Nam Giang và đô thị Cao Bồ); trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (TT Rạng Đông, TT Quỹ Nhất, TT Thịnh Long và KKT Ninh Cơ); trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm TT Lâm, đô thị 4 xã và TT Bo thuộc huyện Ý Yên); trung tâm đô thị Giao Thủy (TT Quất Lâm, TT Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).

Đối với nguồn vốn đầu tư công, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, tạo nền tảng bền vững trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng cấp điện; cấp nước; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn trung tâm đô thị lớn được xác định trong QHT. Huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng KKT Ninh Cơ theo quy hoạch chung. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội công lập; cơ sở cai nghiện; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực khoa học và công nghệ; các công trình, dự án thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Đối với nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư các dự án có khả năng thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút theo QHT, gồm: Xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics, cảng cạn; xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), CCN; các dự án đầu tư phát triển vùng kinh tế biển, ven biển; xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại; các dự án cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, đô thị và nông thôn; các dự án đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và đảm bảo an sinh xã hội; các dự án về xử lý rác thải, nước thải và giảm ô nhiễm môi trường. Đối với các dự án, nhóm dự án huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh chú trọng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, dự án sử dụng lao động trình độ cao, dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định; khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu quốc gia và toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Với dự trù tổng vốn đầu tư cần huy động, tỉnh cũng dự kiến cụ thể danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện trong các giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 bao gồm: 2 dự án cao tốc tỉnh phối hợp với bộ, ngành Trung ương, các tỉnh liên quan là cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định (CT.08); cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11); 14 nhóm dự án dự kiến ưu tiên thực hiện của tỉnh toàn diện trên các lĩnh vực: giao thông vận tải; phát triển vùng kinh tế biển; hạ tầng kinh tế; hạ tầng điện, đê điều, thủy lợi, hệ thống cảng, bến cảng, logistics, hạ tầng đô thị, nông thôn, du lịch - thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thông tin truyền thông, y tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường.

Để có thể huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường nội lực, tạo ra các nguồn thu ngân sách bền vững. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chú trọng gia tăng các lợi thế trong việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; chú trọng việc thông qua các doanh nghiệp FDI đã đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh để quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư tới cộng đồng doanh nghiệp nước sở tại, xây dựng được thương hiệu đầu tư vào Nam Định trong cộng đồng doanh nghiệp FDI. Tổ chức tốt các hoạt động đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền, kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư. Tiếp tục kêu gọi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, điện tử, chế biến nông sản, cơ khí chế tạo; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu du lịch, KCN, CCN; chủ động thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và phân kỳ thực hiện trong các giai đoạn 2021-2025, 2026-2030; tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong QHT.

Chủ động đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp, tích cực phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hoá; gắn đào tạo nghề ở địa phương đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, của từng ngành, địa phương và phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tập trung thực hiệu, quản lý hiệu quả các kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để chủ động bố trí, dành quỹ đất hợp lý cho các lĩnh vực, ngành nghề, các dự án tỉnh ưu tiên thu hút, thúc đẩy đầu tư theo QHT.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com