Sức bật kinh tế mới ở Giao An

08:33, 30/08/2024

Trong không khí cả nước rộn ràng, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay “ngoạn mục” của một vùng quê biển khi về xã Giao An (Giao Thủy). Từ một xã nghèo, kinh tế khó khăn, xã Giao An đã “lột xác” vươn lên trở thành một “điểm sáng” về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Giao Thủy.

Dây chuyền thêu áo cưới công nghệ cao tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu HTA tại xóm Điện Biên Tây, xã Giao An.
Dây chuyền thêu áo cưới công nghệ cao tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu HTA tại xóm Điện Biên Tây, xã Giao An.

Đồng chí Lê Quảng Đản, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Giao An là xã biên giới biển, nằm liền kề Vườn Quốc gia Xuân Thủy, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Từ lợi thế này, xã đã chủ động lựa chọn sản xuất là lĩnh vực nổi trội khi thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu năm 2023. Theo đó, xã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng, giá trị cao, thu hút các dự án về nông nghiệp, hỗ trợ vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và phát huy tiềm năng kinh tế biển”.

UBND xã Giao An xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương gồm có lúa chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng. UBND xã đã tổ chức đánh giá, lựa chọn và quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, kéo đường điện,... phục vụ cho sản xuất. Xã đã khảo nghiệm, đánh giá và chọn lựa giống lúa Đài thơm 8 với khả năng chống chịu sâu bệnh khá, kháng chua mặn tốt, năng suất khá cao và đặc biệt là chất lượng gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng để chỉ đạo, vận động, khuyến khich các hộ dân gieo cấy tập trung thành các vùng lớn, tạo ra sản phẩm đồng đều và chất lượng tốt. Đến nay, trên địa bàn xã có 1 vùng sản xuất lúa chất lượng cao sử dụng giống lúa Đài thơm 8 tập trung tại các xóm Hoành Lộ, Thủy Nhai, Thiện Xuân với diện tích 47,7ha; năng suất lúa trung bình đạt 125 tạ/ha/năm. Toàn xã hiện có đến 95% diện tích trồng lúa sử dụng giống Đài thơm 8, còn lại 5% là lúa nếp. Hiện mô hình áp dụng cơ giới hóa các khâu, ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị tại mô hình “cánh đồng lớn” đem lại hiệu quả rất tốt, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 28,3 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất lúa truyền thống.

Tại vùng kinh tế mới Điện Biên, xã khuyến khích người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp, tích cực đa dạng hóa con nuôi, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao gắn với sản xuất an toàn, sạch bệnh. Nhiều mô hình trồng rau an toàn, VAC tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao như các mô hình trồng luân canh cà chua - dưa lê - rau màu, cà chua - củ đậu - dưa hấu; nuôi ba ba, nuôi cá chim, cá vược, đối mục… Anh Đỗ Quốc Hùng, xóm Điện Biên Tây cho biết: “Được xã tạo điều kiện, gia đình tôi đã đấu thầu 12 nghìn m2 đất để đầu tư nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi cá chim, rô phi đơn tính. Hiện tại, gia trại đang nuôi hơn 4.000 con gà, 1.000 con ngan, 20 con lợn thịt và có 3 ao thả cá. Trên đất bờ vườn, chúng tôi trồng cây hòe để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm, doanh thu của gia trại đạt hơn 2 tỷ đồng”. Còn anh Mai Quốc Huy, xóm Trừng Uyên thì vui vẻ cho biết: “Trang trại nuôi ba ba trơn của gia đình tôi đã được đầu tư đồng bộ theo hướng VietGAP với tổng diện tích 2,4ha, được chia làm 30 ao nuôi với tổng hơn 100 nghìn con các loại. Mỗi năm, gia đình đánh tỉa xuất bán từ 5 ao nuôi, trung bình mỗi ao từ 1-1,5 tấn ba ba thương phẩm; đem về doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng”.

Mô hình trồng luân canh củ đậu kết hợp trồng dưa hấu giúp ông Nguyễn Văn Đăng, xóm Điện Biên Tây thu về hàng chục triệu đồng mỗi sào vườn.
Mô hình trồng luân canh củ đậu kết hợp trồng dưa hấu giúp ông Nguyễn Văn Đăng, xóm Điện Biên Tây thu về hàng chục triệu đồng mỗi sào vườn.

Đặc biệt, với lợi thế có bờ biển dài thuận lợi cho nuôi tôm thẻ chân trắng, những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của xã Giao An rất phát triển, cơ sở hạ tầng vùng nuôi được đầu tư đồng bộ, thuận tiện cho các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất. Tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của xã đạt 35ha, với 10 hộ tham gia nuôi; sản lượng hàng năm đạt 1.500-1.750 tấn; năng suất trung bình đạt 45-50 tấn/ha/năm. Mỗi năm nuôi từ 2-3 vụ tôm. Tổng giá trị ước đạt 345-400 tỷ đồng/năm, bình quân đạt 10-11 tỷ đồng/ha. Có rất nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả cao, tiêu biểu là cơ sở nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ Đức Trường của hộ ông Lê Văn Hưng, thành viên Hợp tác xã (HTX) Khang Tường, có diện tích 28ha, trong đó diện tích ao nuôi tôm 20ha áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao trong ao nổi khép kín. Do áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các thiết bị tiên tiến, quy trình nuôi thâm canh 2 bước, thời vụ nuôi thả theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, quản lý, kiểm soát tốt các nguồn dịch bệnh... Nhờ đó, năng suất tôm bình quân đạt 45-50 tấn/ha/năm; cao gấp 9-10 lần so với nuôi đại trà, trừ các loại chi phí lợi nhuận bình quân đạt 5,5-6,5 tỷ đồng/ha/năm. Sản phẩm tôm thẻ chân trắng có tem nhãn, được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất và được tiêu thụ rộng rãi trên các trang thông tin điện tử, facebook, zalo... được các thương lái, HTX Khang Tường, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty Cổ phần VINAHTC (Cụm công nghiệp An Xá - thành phố Nam Định), Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, HTX Dịch vụ thương mại Hòa Bình (Hà Nội) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trung bình từ 1.300-1.500 tấn/năm, đạt 85-90% tổng sản lượng tôm sản xuất ra trên địa bàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Các ngành nghề khác cũng được xã Giao An quan tâm phát triển. Trên địa bàn xã có Công ty TNHH Nguyên liệu Giày He Guan với quy mô 400-500 công nhân; 1 cơ sở may mặc quần áo với quy mô 20-30 lao động; 1 cơ sở may túi xách thân thiện môi trường với quy mô 20-30 lao động và 150 cơ sở hộ gia đình may váy cưới, áo dài với quy mô từ 15-40 lao động/cơ sở. Các ngành nghề trên đã góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư của địa phương, với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nhàn từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Xã đang tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ như: Dự án Nhà máy thiết bị điện Sotek với diện tích 10ha; Nhà máy May công nghệ cao Thiên Sơn 10ha tại xóm Trà Hương; dự án tổ hợp kinh doanh mua sắm của Công ty TNHH Minh Hoa rộng 1ha; dự án tổ hợp khách sạn, nhà hàng rộng 1ha của Công ty Dịch vụ thương mại Tuấn Uyên; dự án may áo cưới công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu HTA…

Từ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, đời sống nhân dân trong xã nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 85 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,88%; xã Giao An đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu nổi trội về sản xuất. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt từ 103 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 90%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 98%, 100% số xóm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thời gian tới, xã tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, lựa chọn các cây, con có giá trị kinh tế cao sản xuất để gia tăng giá trị. Thực hiện ứng dụng chuyển đổi số phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, tiến tới nâng sao cho các sản phẩm đã xếp hạng và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới có thể tham gia đánh giá, xếp hạng, phục vụ tốt nhu cầu người dân. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Tăng cường tận dụng lợi thế về giao thông, kinh tế biển, không ngừng thu hút đầu tư phát triển các dự án đầu tư lớn công nghệ cao góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com