Phát triển các mô hình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ

11:49, 23/08/2024

Những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP… tạo ra nhiều sản phẩm lúa, gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà chất lượng và là cơ sở để hình thành, duy trì, thúc đẩy các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Tham quan mô hình trồng hoa theo hướng hữu cơ tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).
Tham quan mô hình trồng hoa theo hướng hữu cơ tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).

Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chú trọng tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền và phổ biến nội dung, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm NNHC, các chương trình, quy định liên quan (Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về NNHC và các văn bản hướng dẫn, Bộ tiêu chí quốc gia về NNHC, Kế hoạch số 118/KH-UBND của UBND tỉnh...) nhằm nâng cao nhận thức, từ đó thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng tích cực tham gia phát triển NNHC.

Sở phối hợp với các cấp, ngành, địa phương hướng dẫn, lựa chọn, xác định vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển sản xuất hữu cơ; tổ chức khảo sát, công bố các vùng sản xuất NNHC và các mô hình triển khai sản xuất, chế biến sản phẩm NNHC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xây dựng các mô hình, các vùng sản xuất NNHC hàng hóa tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật để áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông… lựa chọn xây dựng một số mô hình điểm về sản xuất NNHC; lựa chọn, tiếp thu và chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là tiến bộ kỹ thuật về giống cây, con, các quy trình thâm canh tiên tiến nhằm tạo ra các nông sản chất lượng, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP/GAHP, mô hình sản xuất rau hữu cơ Nhật Bản; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng nhiều mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân học tập, áp dụng làm theo… Nhờ đó, đến hết vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh đã có khoảng 900ha sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP/GlobalGAP, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu sử dụng phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên); mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); mô hình sản xuất rau, củ, quả ở xã Yên Cường, Yên Dương, Yên Tân (Ý Yên); mô hình sản xuất rau màu của Hợp tác xã (HTX) Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thuỷ); mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm của Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh); mô hình nuôi lợn an toàn sinh học của Công ty TNHH Công Danh (Giao Thuỷ), Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát, trang trại Hiền Thục (Trực Ninh),… Việc phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân mà còn góp phần làm giảm diện tích ruộng bị bỏ hoang ở các địa phương. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, vụ xuân năm 2024, diện tích ruộng bị bỏ hoang trong toàn tỉnh giảm 529ha so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, huyện Ý Yên giảm 232ha, Nghĩa Hưng giảm 81ha, Vụ Bản giảm 76ha, Trực Ninh giảm 59ha…

Không riêng ngành Nông nghiệp nỗ lực phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực vào cuộc, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về vận động hội viên, nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất nông sản an toàn, nỗ lực không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm và không tiêu dùng thực phẩm bẩn. Đồng thời chú trọng phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn; sản phẩm mang đậm nét truyền thống, đặc sản của địa phương; vận động nông dân đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực hiện tốt liên kết “4 nhà”, giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tới tay người tiêu dùng. Liên Minh HTX tỉnh tích cực hỗ trợ các HTX hợp tác liên kết tập trung đất đai để tạo ra vùng sản xuất tập trung, hình thành những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ/phân phối, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ, lẻ phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Bốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Khánh Hưng (Vụ Bản) cho biết: “Nhờ Liên minh HTX tỉnh, Sở NN và PTNT tư vấn, hướng dẫn về thủ tục pháp lý, UBND huyện Vụ Bản tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng, Liên hiệp HTX Khánh Hưng đã xây dựng được cửa hàng khang trang tại trung tâm thị trấn Gôi để trưng bày, giới thiệu và bán các loại nông sản, thực phẩm sạch của các HTX thành viên như: Gạo Dự Hương, trứng gà, thịt bò 3B, cá… được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn”. Không dừng lại ở đó, Liên hiệp HTX Khánh Hưng còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh để giới thiệu, quảng bá và bán nông sản chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng… bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Hải Hậu đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 28/1/2021 về phát triển NNHC huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, huyện đang tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cụ thể, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao tại các xã: Hải Hưng, Hải Phúc, Hải Thanh; sản xuất lạc đỏ hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long; sản xuất cây thìa canh hữu cơ tại xã Hải Lộc; sản xuất cây đinh lăng hữu cơ tại các xã Hải Quang, Hải Châu; sản xuất rau màu hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long, xã Hải Hòa; sản xuất ổi lê hữu cơ tại các xã Hải Tân, Hải Long; nuôi lợn sữa hữu cơ tại các xã Hải Sơn, Hải Đường; nuôi tôm cá sử dụng thức ăn tự nhiên như: Tôm sú tại xã Hải Chính; cá vược, cá mú tại xã Hải Triều; cá lóc bông tại xã Hải Hòa, thị trấn Thịnh Long. Đồng thời tập trung hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho các đối tượng cây, con chủ lực của huyện; tập huấn cho nông dân kiến thức và các tiêu chí để tiến hành sản xuất NNHC; tổ chức cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho các mô hình duy trì sản xuất ổn định; duy trì, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đã đạt chứng nhận hữu cơ hàng năm; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xúc tiến thương mại. Nhờ đó đến nay, huyện đã bước đầu xác định được các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của huyện gồm: Lúa chất lượng, cây dược liệu, cây ăn quả, lạc, rau các loại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nâng cao hiệu quả sản xuất NNHC trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Sự tích cực vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương và nhất là nông dân trong việc thực hiện các mô hình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP đã thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh đang tích cực khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh và thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, NNHC, nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến xây dựng thành công nền nông nghiệp sinh thái, thân thiện, nông dân hiện đại, văn minh.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



Máy giá đỗ Công nghệ bền vững xe nâng gạch chính hãng Hangcha

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com