Nông dân thích ứng kinh doanh trên nền tảng số

08:04, 09/08/2024

Thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã tích cực đưa sản phẩm bán hàng trên các nền tảng số thông qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và đã đem lại nhiều hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Là người am hiểu sâu rộng về công nghệ thông tin, nhận thấy các nền tảng số ngày càng phát triển, anh Đinh Văn Thuận ở xã Hải Đông (Hải Hậu) đã nắm bắt cơ hội, đưa các sản phẩm tổ yến đạt chuẩn OCOP của gia đình lên ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok và các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok đã giúp gia đình tiêu thụ đầu ra mạnh nhất, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… chiếm khoảng 20%; còn lại là thông qua hoạt động xúc tiến thương mại tại các hội chợ, hội thảo... Ngoài việc kinh doanh các sản phẩm từ tổ yến, anh Thuận còn cung cấp các loại dược liệu sạch, an toàn do gia đình anh tự trồng như đinh lăng, dây thìa canh, hương nhu… Tất cả các loại dược liệu này cũng đang được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Anh Thuận cho biết, do bán hàng chủ yếu qua online, nên anh không chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn xây dựng mẫu mã sản phẩm đẹp, bắt mắt. Việc áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã giúp gia đình anh đã bán được nhiều hàng hơn, mở rộng được thị trường tiêu thụ, khách hàng; giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…

Anh Đinh Văn Thuận ở xã Hải Đông (Hải Hậu) giới thiệu các sản phẩm yến đạt chuẩn OCOP của gia đình quảng bá giao dịch trên các nền tảng số.
Anh Đinh Văn Thuận ở xã Hải Đông (Hải Hậu) giới thiệu các sản phẩm yến đạt chuẩn OCOP của gia đình quảng bá giao dịch trên các nền tảng số.

Dù rất trẻ nhưng anh Nguyễn Đức Duy đã là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu. Với quan điểm giữ trọn hương vị truyền thống mà cha ông bao đời nay đã dày công đúc rút đồng thời luôn tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo 3 không: không phẩm màu, không hương liệu, không chất bảo quản đến nay sản phẩm nước mắm của HTX đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và đang hướng đến làm ISO để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó thương hiệu “Nước mắm Nhà thờ đổ” của gia đình anh Duy với biểu tượng nhà thờ đổ Hải Lý trên nhãn chai được khách hàng rất ưa chuộng. Để nước mắm của HTX đến với mọi người dân, anh đã thích ứng với kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ trực tiếp, HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu đã chú trọng đến việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki... HTX cũng đang tận dụng lợi thế từ các mạng xã hội như facebook, zalo, đồng thời áp dụng hình thức thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng) hoặc chuyển tiền qua ngân hàng điện tử. Ngoài ra, sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” của HTX còn được gắn tem QR giúp người tiêu dùng chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là có thể quét mã và biết rõ được các thông tin cần thiết, từ ngày sản xuất, quy trình đến chất lượng… Trung bình 1 năm, HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu sản xuất 300 nghìn lít nước mắm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2015, anh Lương Xuân Bắc ở xã Trực Hưng (Trực Ninh) bắt đầu thực hiện ý tưởng nuôi gà đẻ trứng. Thông qua Hội Nông dân xã, gia đình anh được vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cộng thêm nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng giúp anh có điều kiện đầu tư mở rộng chuồng trại, chuyển sang nuôi gà đẻ trứng giống D310 tiêu chuẩn an toàn sinh học của Viện Chăn nuôi. Ban đầu, gia đình anh Bắc nuôi 1.000 con gà, cho sản lượng trứng ổn định. Hiện, gia đình anh phát triển quy mô 3.000 gà đẻ trứng theo hướng hữu cơ. Thông qua mạng xã hội và hệ thống sàn thương mại Postmart của Bưu điện Việt Nam, anh Bắc đã tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng. Trứng của anh được gắn tem QR đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đến nay gia đình anh cung cấp từ 2.200-2.500 quả trứng/ngày cho một số trường học của tỉnh Thái Bình và các cửa hàng làm bánh trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, thu nhập của gia đình đạt từ 1,5-2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 650 triệu đồng/năm.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, bán hàng trên các nền tảng số là xu thế tất yếu mang lại nhiều cơ hội giúp người dân phát triển sản phẩm với hiệu quả kinh tế vượt trội. Để hỗ trợ nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 974/KH-SNN ngày 13/5/2022 triển khai chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phổ biến ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, thiết lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm (triển khai các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như GAP; HACCP; ISO…); theo dõi sản xuất bằng nhật ký điện tử; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 cơ sở sử dụng phần mềm định danh điện tử (QR code) để quảng bá sản phẩm, truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm và cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất. UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và 2 sàn thương mại điện tử là sàn Postmart của Bưu điện Việt Nam và sàn VOSO của Bưu chính Viettel nhằm hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trên sàn thương mại điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và UBND các huyện, thành phố phổ biến kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn. Các kỹ năng số cơ bản được tập huấn đến người dân như kỹ năng sử dụng các hệ thống và nền tảng số, kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường mạng, kỹ năng thiết lập và cài đặt các thiết bị số,… Năm 2023 đã tổ chức được 70 lớp cho các xã đang xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng số người dân được tập huấn trong các hội nghị đạt trên 15 nghìn người. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 177 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử; trên 201 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn kỹ năng số; 1.959 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bán và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm, tỉnh đã có trên 129 nghìn hộ sản xuất, trong đó có nhiều hộ sản xuất là thành viên HTX, tổ hợp tác, đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua bán hàng trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh đã thực hiện việc bán hàng, đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến nhiều người dân nhất, trong thời gian ngắn nhất với sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành những người truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com