Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của tỉnh Nam Định đạt 87,32 điểm, tăng 2,46 điểm và xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022, nằm trong nhóm B (nhóm các tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 80% đến dưới 90%). Góp phần làm nên thành công này có phần đóng góp quan trọng của những sáng kiến thúc đẩy tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện CCHC.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Vụ Bản. |
Việc nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến CCHC nhằm tìm kiếm những giải pháp khắc phục khó khăn trong thực tế thực thi nhiệm vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc đã trở thành phong trào luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Năm 2023, toàn tỉnh có 6 sáng kiến tiêu biểu của các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện Ý Yên, Giao Thủy được UBND tỉnh tặng Bằng khen đều hướng đến phương án trọng yếu trong CCHC như nâng cao hiệu quả tuyên tuyền, sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức, viên chức, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Trong đó, giải pháp sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, xóm, tổ dân phố của Sở Nội vụ đã đưa lộ trình 3 bước đối với cán bộ cấp xã và 5 bước đối với cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố. Theo đó, giải pháp căn cơ là tạm dừng bầu, bổ nhiệm mới các chức danh lãnh đạo; sắp xếp lại cán bộ dôi dư theo vị trí việc làm và thứ tự ưu tiên có năng lực phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ; điều động cán bộ dôi dư tới nơi còn thiếu; tuyển dụng làm công chức; cho nghỉ chế độ theo quy định và tinh giảm theo điều kiện và nguyện vọng của cá nhân. Giải pháp được áp dụng thí điểm tại 3 huyện Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với mục tiêu đảm bảo sau 5 năm giải quyết xong số cán bộ dôi dư. Áp dụng giải pháp này tại 3 đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 là xã Hải An (Hải Hậu); xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) và thị trấn Lâm (Ý Yên) với số lượng cán bộ, công chức dôi dư 50 người; cán bộ hoạt động không chuyên trách là 42 người; tổng số cán bộ cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố của cả 3 huyện là 2.828 người (bí thư chi bộ; trưởng ban công tác Mặt trận; trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố); 5.025 người là chi hội trưởng các đoàn thể Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và bí thư chi Đoàn Thanh niên); 1.177 người là công an viên, bảo vệ dân phố. Kết quả đảm bảo trong 5 năm đã sắp xếp, giải quyết thỏa đáng, hợp lý số lượng cán bộ, công chức dôi dư; cán bộ không chuyên trách. Sau sắp xếp bộ máy được tinh giảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động chuyên trách được nâng cao và tiết kiệm 8 tỷ đồng tiền chi trả lương, phụ cấp mỗi tháng; không để xảy ra mất đoàn kết hay khiếu kiện. Giải pháp nhanh chóng được đúc kết kinh nghiệm và áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phổ biến kiến thức CCHC cho cả cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân nhằm tạo sự đồng bộ, đồng thuận trong nhận thức về CCHC để đảm bảo hiệu quả cho việc thực thi, nhóm tác giả của các huyện Ý Yên đã có sáng kiến: “Xây dựng bộ video hướng dẫn các nghiệp vụ về CCHC, xây dựng chính quyền điện tử để tuyên truyền, phổ biến trên địa bàn huyện Ý Yên”; huyện Giao Thủy có mô hình “Ngày thứ Tư thân thiện và thanh niên tình nguyện hỗ trợ thủ tục hành chính tại xã Giao Long”. Trong đó nhóm tác giả huyện Ý Yên đã tổng hợp các video hướng dẫn nghiệp vụ về CCHC và xây dựng chính quyền điện tử trên các trang thông tin của các bộ, ngành Trung ương; nghiên cứu xây dựng các video hướng dẫn gắn với đặc thù địa phương tạo thành kho video lưu trữ; thiết lập và đăng tải các video này trên kênh Youtube cũng như trên chuyên mục CCHC, chuyển đổi số của trang thông tin điện tử của UBND huyện Ý Yên để cán bộ, công chức, viên chức và người dân tra cứu khai thác sử dụng. Cách làm này dễ hiểu, dễ làm theo và tiết kiệm tối đa chi phí, nhân lực tuyên truyền. Thông qua kho dữ liệu video hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, nền tảng mạng xã hội, anh Trần Văn Thùy, xã Yên Thắng cho biết, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR dẫn tới đường link liên kết để nộp hồ sơ khi có việc cần giải quyết, nhanh chóng hoàn thành các giao dịch và nhận giấy hẹn trả kết quả. Anh Thùy cho biết: “Nếu không được xem clip hướng dẫn, mọi người sẽ nghĩ việc giải quyết thủ tục hành chính phức tạp. Thế nhưng khi đến thực hiện giao dịch tại bộ phận một cửa tôi được công chức tại đây hướng dẫn tận tình, chu đáo, nhờ đó công việc được thực hiện thuận tiện”.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa hoạt động, dễ dàng mở rộng chi nhánh cũng như huy động vốn từ bên ngoài và đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu xuất hóa đơn cho khách hàng… Trên cơ sở đó, nhóm cán bộ, công chức ở Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn những hộ kinh doanh có nền tảng sản xuất tốt chuyển đổi hoạt động sang hình thức doanh nghiệp. Cách làm này đã góp phần tăng số lượng, chất lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; huy động được thêm nhiều nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển và góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh CCHC của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như tăng số lượng doanh nghiệp của tỉnh gia nhập thị trường, đáp ứng yêu cầu của chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp trong Bộ chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Những sáng kiến, giải pháp hay được đề xuất trong thực tiễn công tác tại địa phương, đơn vị đã góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan Nhà nước. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, vững mạnh, từng bước hiện đại. Cùng với những mô hình, sáng kiến mới được áp dụng, các ngành, các địa phương tiếp tục duy trì những mô hình, sáng kiến hiệu quả đã được thực hiện từ những năm trước nhằm không ngừng nâng cao chất lượng CCHC, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân như: giải pháp “Tích hợp Dịch vụ công trực tuyến tỉnh với phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong giải quyết TTHC tỉnh Nam Định” và “Đổi mới công tác lập hồ sơ điện tử và giao nộp hồ sơ điện tử vào Lưu trữ cơ quan tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định”; hay như mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không hẹn” của huyện Vụ Bản.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin