Nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường, một số hợp tác xã (HTX), đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần mang lại thu nhập cao hơn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nông dân xã Nam Dương (Nam Trực) sản xuất rau vụ đông. |
Trên diện tích 4.500m2, khu sản xuất rau hữu cơ của ông Trần Đức Tuệ thuộc xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) trồng các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Tuệ, để cây rau sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, không phải dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu như tập quán canh tác rau truyền thống, trước khi trồng ông dùng phân hữu cơ bón lót, bổ sung dinh dưỡng cho đất, đồng thời sử dụng màng che để hạn chế sâu bệnh phát triển. Với cách làm này, các quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, tư duy sản xuất cũng thay đổi theo hướng phát triển trồng trọt bền vững, an toàn, mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều là sản phẩm sạch.
Đầu tháng 3 vừa qua, mô hình ổi lê của gia đình bà Hoàng Thị Mơ, ở xã Hải Cường (Hải Hậu) là một trong 5 mô hình nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) là một tổ chức Phi chính phủ, Phi lợi nhuận ở Việt Nam. Đây là chương trình do Trung tâm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu tổ chức, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ, an toàn nên cây ổi phát triển nhanh, ra quả quanh năm. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, trung bình mỗi năm vườn ổi mang lại nguồn thu nhập cho gia đình bà Mơ khoảng 80 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Cũng tại xã Hải Cường, anh Lê Tiến Đạt đã thành công với mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện với diện tích 700m2, anh Đạt đã đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gồm khu nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống quạt mát, camera tự động, trồng thử nghiệm các loại rau, quả, đặc biệt là giống dưa lưới của Nhật Bản theo quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Mỗi tháng anh Đạt cung ứng ra thị trường từ 500-600kg rau sạch với giá bán trên dưới 35 nghìn đồng/kg.
HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đã hình thành, duy trì và phát triển mô hình trồng rau sạch an toàn thực phẩm, tạo được thương hiệu riêng trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân địa phương. Phát huy thế mạnh của vùng đất màu, HTX đã xây dựng mô hình 5ha trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tạo hướng phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp. HTX còn liên kết với hơn 10 hộ nông dân khác thực hiện quy trình trồng rau sạch để đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường, đồng thời mở rộng diện tích trồng đa dạng các loại rau, củ, quả đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm nông sản của HTX được kiểm soát chặt chẽ từ khâu gieo trồng đến khâu đóng gói sản phẩm theo đúng quy trình trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ. Nhân công tham gia sản xuất cũng được tập huấn đầy đủ các kỹ thuật trồng rau an toàn và quy trình xử lý, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn.
Còn tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) từ năm 2018, chị Phạm Thị Ngát đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương pháp sản xuất rau quả truyền thống sang canh tác theo hướng sạch, an toàn. Nhờ áp dụng đúng quy trình canh tác, chủ động sáng tạo trong sản xuất nên sản lượng rau, củ, quả của gia đình chị ngày càng tăng, đầu ra sản phẩm ổn định, người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ. Để chủ động nguồn cung cho các siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch, chị Ngát đã liên kết với các hộ gia đình ở địa phương thành lập tổ sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Hồng do chị là trưởng nhóm. Tổ sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Hồng sản xuất theo nguyên tắc “mùa nào rau đấy”, song chủ lực vẫn là dưa chuột, cà chua dễ canh tác, dễ tiêu thụ. Nếu thời tiết thuận lợi, ủng hộ, sẽ cho thu hoạch từ 1-1,2 tấn quả dưa chuột/sào/vụ, khoảng 1 tấn quả cà chua/sào/vụ.
Sau hơn 10 năm triển khai sản xuất rau, quả sạch theo hướng hữu cơ, đến nay đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người nông dân, làm phong phú thị trường rau an toàn, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động, hầu hết người trồng rau trên địa bàn tỉnh đều tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặc dù giá rau, củ, quả sạch khá cao so với giá rau thông thường nhưng các hộ trồng kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn kiên trì thực hiện mô hình, quyết tâm giữ chữ tín, cũng như thương hiệu rau, củ, quả sạch đã được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên các mô hình sản xuất chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ. Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung gặp khó do chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm...
Để tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình trồng rau an toàn, chính quyền các địa phương cần quan tâm, định hướng để người dân không sản xuất theo phong trào tự phát, được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị và các hộ nông dân đầu tư sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, không chỉ cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin