Nguồn lực tiếp sức củng cố sản phẩm OCOP bền vững

08:31, 22/08/2024

Đến nay, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 235 chủ thể là cơ sở sản xuất của 10 huyện, thành phố. Trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, dòng vốn ngân hàng đã khẳng định là chất xúc tác quan trọng góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; phát huy thế mạnh của địa phương, đưa sản phẩm OCOP ngày càng bền vững, vươn xa.

Được vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp sức, gia đình ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) đã phát triển sản phẩm miến dong truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Được vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp sức, gia đình ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) đã phát triển sản phẩm miến dong truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Cơ sở sản xuất miến dong Huệ Đồng của ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) ngày ngày tấp nập những chuyến xe ra vào nhập hàng, chở miến dong đi khắp nơi. Ông Đồng cho biết: Không chỉ được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu hỗ trợ cho vay ưu đãi để cho con đi học, vay sửa chữa công trình nước sạch, vệ sinh đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, Hội Phụ nữ xã tiếp tục tư vấn, hướng dẫn tôi làm thủ tục vay vốn từ chương trình hỗ trợ việc làm để đầu tư máy móc hiện đại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm miến dong của gia đình sản xuất. Nhờ đó, chúng tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Năm 2020, sản phẩm miến dong Huệ Đồng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng. Mỗi năm cơ sở sản xuất miến dong của ông Đồng cung ứng ra thị trường hàng chục tấn miến dong, riêng dịp cao điểm Tết Nguyên đán đạt từ 30-50 tấn miến dong.

Cũng như các hộ khác trong làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), ông Lại Văn Quang là đời thứ tư theo nghề làm mắm tôm truyền thống. Những năm trước, toàn bộ diện tích vườn nhà được tận dụng làm nơi sản xuất mắm tôm: bể chứa, khuấy, đảo, phơi… Do diện tích chỉ ngót 1,4 sào nên quy mô sản xuất nhỏ, mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu, chủ yếu là moi. Được chính quyền tạo điều kiện cho thầu gần 2,2ha đất bãi ven sông Đáy để xây dựng cơ sở sản xuất cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Agribank Chi nhánh Đông Bình; ông đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng 130 bể và nhà kho, nhà xưởng; mỗi năm gia đình ông sản xuất được trên 200 tấn mắm tôm và tận dụng nguồn cá trích, cá cơm… sản xuất nước mắm chắt. Đến nay, cơ sở sản xuất nước mắm của ông Lại Văn Quang đã bề thế, khang trang hơn, kho chứa hơn 2.000 tấn; mỗi năm tiêu thụ trên thị trường toàn quốc được hơn 500 tấn mắm tôm, hơn 30 nghìn lít nước mắm. Sản phẩm mắm tôm Ngọc Lâm của gia đình ông Lại Văn Quang đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm OCOP 3 sao “Gà sạch Đăng Khôi” của hộ sản xuất, kinh doanh ông Trần Đăng Khôi, xã Minh Thuận (Vụ Bản) cũng in đậm dấu ấn vốn ngân hàng đồng hành cùng gia đình từng bước xây dựng trang trại, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP và đăng ký sản phẩm. Cả 4 khu chuồng trong trang trại rộng hơn 4.000m2 của ông Khôi là đàn gà đỏ to, khỏe, chắc nịch. Ông Khôi phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 2 vạn con gà đỏ. Hàng tháng, gia đình tôi đều xuất bán với sản lượng hơn 12 tấn gà thịt. Hiện tại, trang trại đã tự nhân giống, ấp, nở được con giống nên đã chủ động lượng con giống cho việc nuôi gối đàn cũng như chất lượng đàn gà luôn được duy trì ở mức cao. Ngoài ra, trang trại cũng áp dụng đầy đủ các quy trình về chăn nuôi sạch, chăn nuôi an toàn dịch bệnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm gà thương phẩm cung ứng ra thị trường. Mỗi năm doanh thu từ trang trại nuôi gà đỏ của gia đình tôi đạt hơn 8 tỷ đồng”. Có được trang trại ăn nên làm ra như bây giờ, ông Khôi không hề quên vai trò quan trọng của đồng vốn Agribank cho vay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Ông Khôi nhớ lại: “Năm 2010, gia đình tôi quyết tâm đầu tư trang trại nuôi gà theo hướng công nghiệp nên cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Rất may, tổ vay vốn của Agribank tại xã đã tư vấn và tạo điều kiện thủ tục giúp gia đình vay được 1 tỷ đồng. Có vốn, gia đình tôi đầu tư trang trại bài bản từ hệ thống máng ăn, uống nước tự động, hệ thống báo nhiệt độ chuồng trại nên đàn gà đỏ lớn, khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Gà đỏ nhà tôi nuôi đến đâu đều bán hết đến đó. Kinh tế gia đình ngày càng vươn lên khá giả”.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi cho vay khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP là cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn. Đối với đối tượng là hợp tác xã, quá trình vay vốn có phát sinh, khi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được cấp cho các hợp tác xã, các thành viên lại không được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP riêng, dẫn tới các thành viên gặp khó khăn việc vay vốn. Chưa kể, nhiều cơ sở thực hiện chế độ thống kê, kế toán còn nhiều hạn chế, ngần ngại trong việc minh bạch tình hình kinh doanh tài chính với ngân hàng, mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không đảm bảo chế độ phát hành hóa đơn của Nhà nước, do đó ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay. Dịch vụ tín dụng chưa đa dạng, chưa gắn với từng sản phẩm đặc thù, vùng miền địa phương. Công tác tư vấn, hướng dẫn giữa ngân hàng và khách hàng về phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền, bảo đảm tiền vay còn có nhiều vướng mắc. Phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù sản phẩm OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ…

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, các ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay của Chính phủ, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất trong lĩnh vực kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP có thể dễ dàng tiếp cận. Đẩy mạnh công tác truyền thông để triển khai có hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đã ban hành đến các đối tượng khách hàng đang sản xuất sản phẩm OCOP để phát triển khách hàng vay vốn trên địa bàn, tăng trưởng dư nợ, tăng dần tỷ trọng cho vay trung, dài hạn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực hợp tác xã, điều hành chủ động, linh hoạt các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, trong đó có hợp tác xã. Tiếp tục chỉ đạo tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa, gạo, cà phê, thủy sản... cho vay liên kết đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài và ảnh: Đức Toàn



Yến sào LifeNest

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com