Trong trồng trọt, phân bón là thành phần quan trọng được sử dụng với một lượng lớn mỗi năm, góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học trong chăm sóc cây trồng cùng với hóa chất bảo vệ thực vật (các loại hóa chất diệt sâu, bệnh) đang khiến người nông dân và ngành Nông nghiệp phải đối mặt với các nguy cơ nông sản mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường đất, nước - tư liệu sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Vì vậy, việc sử dụng phân bón hữu cơ đang là hướng đi ngày càng được người sản xuất lựa chọn để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân đánh giá mô hình trồng lúa sử dụng bón phân hữu cơ tại xã Liêm Hải (Trực Ninh). |
Tại huyện Trực Ninh, Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh là đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa theo hướng hữu cơ. Một trong những ưu tiên lựa chọn của Công ty là phối hợp với Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang để đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất lúa. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Từ vụ xuân năm 2024, được sự cho phép và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), chúng tôi đã sử dụng phân bón PAN để chăm sóc cho lúa với diện tích khảo nghiệm là 10,5ha cấy bằng các giống lúa VNR20, nếp Cô Tiên và nếp Ngọc Lam tại xã Liêm Hải (Trực Ninh). PAN là loại phân bón lá hữu cơ thế hệ mới được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ như: đạm cá, tro, trấu… Đặc biệt trong phân bón lá hữu cơ PAN có bổ sung các nguyên tố trung lượng can-xi và si-lic được chiết xuất bằng công nghệ nano, có chứa hàm lượng các chất hữu cơ cao (12%), nguyên tố vi lượng (Bo: 3.000ppm) và bổ sung các chất đa lượng NPK là thành phần thiết yếu giúp tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu sâu bệnh, từ đó cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả từ vụ xuân vừa qua cho thấy, các giống lúa sử dụng phân bón này đều có tỷ lệ nảy mầm cao, sức sống mầm tốt, độ đồng đều khá. Bộ rễ phát triển khoẻ mạnh, thân đứng, cứng cây, bộ lá cứng, ít dảnh vô hiệu, khả năng chống đổ khá nên mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ hơn so với ruộng đối chứng. Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ lá xanh, khỏe, dày cứng, tăng khả năng quang hợp, kích thích bộ rễ phát triển, tăng tốc độ đẻ nhánh, tăng số nhánh hữu hiệu và khả năng tích lũy chất khô, góp phần tăng năng suất lúa… Năng suất lúa cao hơn ruộng đối chứng từ 23-33kg/sào, tương đương 638-915kg/ha. Việc sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN giúp giảm 30% lượng phân bón vô cơ các loại so với quy trình trước đây. Tiền lãi so với ruộng đối chứng từ 246-346 nghìn đồng/sào, tương đương 6,8-9,6 triệu đồng/ha… Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp giảm việc phát thải khí nhà kính, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Không chỉ có doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Gia đình chị Nguyễn Thị Khoa, nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã mạnh dạn thuê gom, tích tụ ruộng đất nông nghiệp của các hộ dân trong vùng, đầu tư mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 3,5ha. Chị Khoa cho biết: “Qua tiếp cận với tài liệu về phát triển nông nghiệp hữu cơ và được ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ, tôi thấy có nhiều lợi ích, nhu cầu thị trường về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều, tạo đầu ra ổn định, phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn”. Sau khi hoàn thành khâu cải tạo, loại bỏ tồn dư hóa chất trong đất, chị trồng lúa bằng các giống Đài Thơm, BT7 kháng bạc lá theo quy trình sản xuất hữu cơ. Chị sử dụng phân chuồng ủ hoai mục kết hợp phân hữu cơ vi sinh để chăm sóc lúa; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh… Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt suốt vụ, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đạt trên 200 kg/sào. Toàn bộ lượng lúa thương phẩm được các doanh nghiệp thu mua với giá bán cao gấp 1,5 lần lúa đại trà.
Đến thời điểm này, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh có sản phẩm gạo xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty cho rằng: Làm thế nào để nông dân sản xuất ra sản phẩm gạo sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và làm giàu là mục tiêu định hướng của Toản Xuân. Vì vậy, diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ của công ty đang tăng lên từng vụ. Công ty đã ký hợp đồng với Tập đoàn Sữa Việt Nam thu mua mỗi năm khoảng 200 nghìn tấn phân bò, kết hợp với lượng vỏ trấu phế thải từ chế biến gạo của công ty để sản xuất phân hữu cơ nhãn hiệu “Năm con bò”. Hiện nay, trong tổng diện tích trên 900ha mỗi năm sản xuất lúa mà công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân thì ở vụ mùa năm 2024 đã tới 80% diện tích sử dụng phân hữu cơ “Năm con bò” để chăm bón lúa… Đánh giá về hiệu quả sử dụng phân hữu cơ do Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất, cung ứng, đồng chí Vũ Trọng Huân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Kiên (Hải Hậu) cho biết: “Lúa ST24, ST25 được bón bằng phân hữu cơ “Năm con bò” chín đều, năng suất tăng từ 10-15% so với diện tích đối chứng và quan trọng nhất là chất lượng gạo thơm ngon hơn, đảm bảo các yếu tố an toàn thực phẩm. Đây là hướng đi tích cực cho lúa gạo của địa phương”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thời gian qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu với tỉnh ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù để tạo động lực thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân thuê gom, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản như sản xuất lúa Nhật, sản xuất gạo sạch, rau, củ, quả sạch, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Chủ động xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn sử dụng các loại phân hữu cơ cho lúa, cây rau màu; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về kỹ thuật sử dụng các loại phân hữu cơ trong gieo trồng cây lương thực, thực phẩm. Tăng cường phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, góp phần thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của nông dân theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, hiệu quả bền vững. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường, tiếp nhận khảo nghiệm các loại phân bón hữu cơ mới và tổ chức nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin