Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng

08:34, 02/08/2024

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ngành Ngân hàng tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Mô hình nuôi cá Koi tại hộ ông Trần Văn Hiền ở  thôn Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đạt doanh thu 2 tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá Koi tại hộ ông Trần Văn Hiền ở thôn Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đạt doanh thu 2 tỷ đồng mỗi năm.

Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tăng cường phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã để nắm bắt, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã; thiết lập, duy trì đường dây nóng xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời, NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đẩy mạnh huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản và đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng doanh nghiệp, người dân có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay. 6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 125.111 tỷ đồng, tăng 4.296 tỷ đồng (3,6%) so với đầu năm; phấn đấu đến hết quý II năm 2024 tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh ở mức 4,5-5%.

Ngành Ngân hàng tỉnh cũng chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức hoạt động phù hợp như tổ chức hội nghị/buổi làm việc kết nối, đối thoại, chia sẻ (thay thế cho các hội nghị khách hàng chỉ có tính chất tri ân, giao lưu gặp gỡ) để tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất và có giải pháp cụ thể, kịp thời, linh hoạt nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như: gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN Việt Nam, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn, đồng thời không để trục lợi, làm sai quy định và sai lệch bản chất, nợ xấu. Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chủ động rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ; rút ngắn thời gian thẩm định xét duyệt, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; chú trọng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý được dòng tiền và kiểm soát được rủi ro.

Lũy kế đến hết quý II/2024, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, qua đó cam kết cho vay 11.420 tỷ đồng. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024 là 8.519 tỷ đồng cho 514 doanh nghiệp tham gia chương trình. Dư nợ cho vay đạt 6.800 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn giải ngân được 2.796 tỷ đồng với 101 khách hàng; cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa giải ngân được 1.511 tỷ đồng với 168 khách hàng; cho vay kinh doanh hàng dệt may giải ngân được gần 195 tỷ đồng với 1 khách hàng; cho vay khác giải ngân được 2.370 tỷ đồng với 53 khách hàng. Tổng số cho vay thông qua chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp giải ngân được 1.654 tỷ đồng với 192 khách hàng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Đồng thời, các ngân hàng cũng tiến hành cơ cấu lại nợ thông qua chương trình cho 13 khách hàng với dư nợ 635,3 tỷ đồng, giảm lãi suất cho 12 khách hàng với dư nợ 939 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng chỉ đạo sát sao các cán bộ tín dụng thường xuyên bám sát địa bàn hoạt động, nắm bắt tình hình kinh doanh, sử dụng vốn của khách hàng để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các gói tín dụng ưu đãi cũng được các ngân hàng tung ra để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiếp cận thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Từ ngày 13/6/2024 đến ngày 30/6/2025, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đã tung ra gói tín dụng ưu đãi VietinBank “Zero Fee” chuyên biệt dành cho doanh nghiệp ngành Dược. Theo đó, doanh nghiệp ngành Dược được VietinBank ưu đãi “không phí” cho nhiều dịch vụ, đặc biệt là phát hành bảo lãnh dự thầu. Ưu đãi áp dụng cho tất cả các loại bảo lãnh như: Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, bảo lãnh bảo hành… Đồng thời, miễn 100% phí chuyển tiền ngoại tệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Ngày vàng Thanh toán quốc tế (các ngày kép như 7/7, 8/8… và ngày 15 hàng tháng), miễn trên 20 loại phí với Gói tài khoản, miễn phí dịch vụ chi lương và ưu đãi lãi vay khi doanh nghiệp chi lương qua VietinBank. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi để khuyến khích khách hàng sử dụng vốn như: chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu quy mô 20 nghìn tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 2,4%/năm; khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 20 nghìn tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 1,5%/năm; doanh nghiệp đầu tư dự án thuộc 6 ngành trọng điểm và lĩnh vực xanh quy mô 15 nghìn tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6% cố định trong năm đầu. Cùng với đó là khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường; chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,5%/năm và phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất chỉ từ 4%/năm.

Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng, 6 tháng cuối năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD tập trung thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế. Các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác. Tích cực, chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giải quyết các đề nghị vay vốn, hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp và người dân đối với chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng; tăng cường chuyển đổi số để nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com