Hội viên nông dân gắn sản xuất với chế biến nông sản

08:14, 08/08/2024

Xác định chế biến đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn, giảm được tổn thất sau thu hoạch, hạn chế tình trạng "được mùa, mất giá", nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã tích cực phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, thực hiện quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Chế biến sản phẩm yến chưng tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Đinh Văn Thuận, hội viên nông dân xã Hải Đông (Hải Hậu).
Chế biến sản phẩm yến chưng tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Đinh Văn Thuận, hội viên nông dân xã Hải Đông (Hải Hậu).

Để khuyến khích nông dân, thành viên hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên về nguồn vốn vay, dạy nghề, tạo việc làm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT, ngày 6/8/2019 của BCH HND tỉnh (khóa X) về “Vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại; phối hợp với Bưu điện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart; thành lập các cửa hàng nông sản an toàn tại một số địa phương. Đến nay, HND các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 400 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử Postmart. HND tỉnh chỉ đạo HND huyện Hải Hậu làm điểm khai trương cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại xã Hải Thanh (Hải Hậu). HND các huyện, thành phố phối hợp khai trương 5 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường và thành phố Nam Định nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Từ các hoạt động hỗ trợ của các cấp HND, hội viên đã tích cực gắn sản xuất với chế biến nông sản, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Điển hình như ông Nguyễn Văn Thành ở xã Hải Chính (Hải Hậu) nhiều năm qua đã thành công với mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm. Năm 1998, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông khởi nghiệp bằng nghề đánh bắt hải sản và sản xuất muối biển song thu nhập không ổn định, hiệu quả không cao. Do quen biết một số bạn bè ở các địa phương có nghề trồng nấm nên ông đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và quyết định đưa nghề trồng nấm về địa phương. Ông đăng ký học một khóa đào tạo về trồng nấm, sản xuất nấm tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ban đầu, ông xây dựng trang trại trồng nấm với quy mô khoảng 1.000m2; tập trung sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm rơm và nấm mỡ. Sau không ít khó khăn, ông dần dần nắm chắc được kỹ thuật, từ đó áp dụng thành công vào mô hình trồng nấm của gia đình. Trong quá trình sản xuất nấm, nhận thấy mô hình kinh tế tập thể đem lại nhiều hiệu quả, năm 2014, ông đã đứng lên thành lập HTX dịch vụ Linh Phát, hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 8 thành viên tham gia. HTX dịch vụ Linh Phát do ông Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có ngành nghề sản xuất chính là nuôi trồng, sản xuất các loại nấm, trong đó sản phẩm chủ lực là nấm linh chi, ngoài ra còn có nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm chế biến từ nấm. Nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt, ông Thành đã thống nhất với các thành viên HTX áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất. Trong những năm qua, HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao, mạnh dạn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm Rượu linh chi, Nấm linh chi, Nấm bào ngư Linh Phát. HTX đang tạo việc làm cho tổng số 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất của HTX được xây dựng quy củ, phát triển bền vững nên đã thu hút nhiều hộ nông dân tới tham quan, học tập kinh nghiệm... Ngoài ra phải kể đến rất nhiều hội viên nông dân tiêu biểu khác như ông Nguyễn Văn Bình, xã Hải Chính (Hải Hậu) tập trung nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, đóng gói, hút chân không, bảo quản đông lạnh các sản phẩm đã chế biến như chả mực, chả cá, tôm sú, cá mú, cá vược, cá thu cắt khúc, tôm nõn, trong đó các sản phẩm chả cá, chả mực đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) với mô hình trang trại chăn nuôi lợn bằng thảo dược gắn với chế biến các sản phẩm từ thịt lợn. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm sạch, an toàn, gia đình ông đã đầu tư xây dựng dây chuyền khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm thịt lợn, ruốc, xúc xích. Ông Nguyễn Hữu Trung, xã Tân Thành (Vụ Bản) phát triển nghề chế biến nông sản bằng hệ thống máy móc hiện đại, trung bình mỗi tháng sản xuất hơn 200 tấn nguyên liệu; đặc biệt trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng sản xuất tới 400 tấn nguyên liệu. Anh Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) phát triển mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi kết hợp chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen như ruốc cá, cá nướng, cá tươi cắt khúc. Ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) với mô hình nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” được công nhận là sản phẩm OCOP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động... Đến nay, các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản của hội viên nông dân các địa phương trong tỉnh tương đối đa dạng, phong phú. Nhiều sản phẩm tạo dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị thương mại, được thị trường trong nước và các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc chấp nhận. Tiêu biểu như ngao sạch Giao Thủy, tép moi sấy khô Hùng Vương, yến sào Đinh Thuận, chả mực Thành Vui, nước mắm, sứa biển ăn liền của nông dân các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy; các sản phẩm ép dầu lạc, dầu vừng của hội viên nông dân huyện Ý Yên…

Nhờ gắn sản xuất với chế biến, hội viên nông dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy công nghiệp chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản của tỉnh phát triển. Thời gian tới, các cấp HND tiếp tục vận động hội viên xây dựng các mô hình ý tưởng khởi nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản, thực phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bài và ảnh: Lam Hồng



Thiết bị giá Từ công nghệ mới Tủ hấp cơm gia công giá rẻ công ty sản xuất mỹ phẩm độc quyền xe nâng dầu 4 tấn chính hãng HangchaTham khảo máy làm đá viên quán ăn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com