Hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

08:39, 14/08/2024

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp các thủ tục đăng ký mã số, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa.

Sản phẩm thịt lợn của Công ty TNHH Công Danh (thành phố Nam Định) được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Sản phẩm thịt lợn của Công ty TNHH Công Danh (thành phố Nam Định) được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tháng 7/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các nội dung về TXNG sản phẩm, hàng hoá cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, câu lạc bộ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến các văn bản pháp luật quy định về trách nhiệm quản lý, một số chính sách và các giải pháp công nghệ hỗ trợ xây dựng áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa… Qua đó, định hướng cho mỗi đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh để đảm bảo sự minh bạch và tin cậy trong các giao dịch kinh doanh bằng cách cung cấp dữ liệu TXNG, thông tin về quy trình sản xuất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường hiện nay ảnh hưởng tới sức khỏe và gây thiệt hại về kinh tế, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch thông tin đối với các sản phẩm, hàng hóa lưu thông. Do đó, TXNG trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội, là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu này, đồng thời giúp nông sản địa phương có thương hiệu vững chắc, từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến quan tâm đến việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm, sử dụng tem QR code chống hàng nhái, hàng giả phục vụ TXNG sản phẩm.

Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2019-2023, Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 11,5 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và hỗ trợ tạo mã QR code TXNG nhằm phát triển sản phẩm toàn diện về chất lượng, mẫu mã, bao bì, nguồn nguyên liệu, quảng bá, phân phối sản phẩm… Hiện Sở NN và PTNT duy trì giám sát 33 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP); tư vấn hỗ trợ xây dựng, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho 44 cơ sở với 82 sản phẩm nông nghiệp; 150 cơ sở xây dựng phần mềm TXNG bằng mã QR code, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất... Có thể nói, cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung, phát triển chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất đã giúp giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng cao, chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng; đồng thời giúp các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến tạo lòng tin với người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đơn cử như từ việc sử dụng tem QR code TXNG đã giúp Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn, xã Việt Hùng (Trực Ninh) mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Được hỗ trợ xây dựng phần mềm TXNG, mỗi sản phẩm gạo của công ty đều sử dụng 1 tem QR code để nhận diện, xác định nguồn gốc nông sản an toàn. Qua đó giúp công ty tiếp cận, ký kết hợp đồng với nhiều bếp ăn tập thể, đối tác lớn. Hiện các sản phẩm của công ty được phân phối khắp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam… Công ty đang tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ vào các tỉnh miền trong, đồng thời đẩy mạnh bán hàng, quảng bá sản phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, qua website bán hàng của công ty, các gian hàng trên trang thương mại điện tử và các mạng xã hội.

Cụ thể hóa Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG" (Đề án 100) trên địa bàn tỉnh, Sở KH và CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Phối hợp với các sở, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai, giải pháp công nghệ TXNG sản phẩm... cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp, cá nhân. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, TXNG, xây dựng thương hiệu gắn với các chương trình chuyển đổi số, “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thương mại điện tử... thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hướng tới xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của tỉnh hiện đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Chả cá Hùng Vương, Nước mắm Ninh Cơ, Giò 7 phút Nam Phát, Sứa Tân Long, Nông sản sấy Minh Dương…

Mặc dù đem lại hiệu quả thiết thực, song việc áp dụng hệ thống TXNG cho các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các mặt hàng nông sản. Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao, chưa quan tâm nhiều và chưa hiểu đúng bản chất, tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm hoặc là gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể...

Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa; 50% sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ áp dụng hệ thống TXNG, gắn mã số, mã vạch… và đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu TXNG hàng hóa, sản phẩm của tỉnh; dữ liệu TXNG được kiểm soát, cập nhật lên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia... còn rất nhiều việc phải làm từ cả phía các đơn vị quản lý Nhà nước và các bên tham gia. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng cần nâng cao nhận thức, áp dụng linh hoạt để hoạt động TXNG sản phẩm, hàng hóa thực sự đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com