Những năm gần đây, xã Hải Thanh (Hải Hậu) đã tích cực cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông sản hàng hóa tập trung với hàng loạt mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Chăn nuôi vịt đẻ siêu trứng tại gia đình ông Mai Văn Sơn ở xóm Trần Cường. |
UBND xã đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã tích cực tuyên truyền, phổ biến khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng; từng bước xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện tại, xã đã xây dựng được 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn, quy mô mỗi mô hình từ 30-40 mẫu trồng các giống lúa chất lượng cao như Hồng Đức, Hương Cốm 4 được Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) bao tiêu, thu mua lúa. Bên cạnh đó, được xã khuyến khích, trong vụ xuân người dân tập trung gieo cấy hơn 270ha lúa bằng các giống có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, chất lượng gạo thơm, ngon như Bắc thơm số 7, Dự hương, Đài thơm, Nếp 97, ST24, ST25…, đạt năng suất 76 tạ/ha. Mỗi vụ sản xuất, xã đều tích cực chỉ đạo Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện, tổ chức các lớp học nghề, truyền nghề, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 300 lượt hội viên nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất lúa chất lượng cao, chăm sóc nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAHP và HACCP, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, UBND xã cũng thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân tham gia phát triển sản xuất đa dạng ngành nghề nông thôn như: hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí qua các chương trình khuyến công; tạo điều kiện tối đa về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tại, dư nợ tại Agribank huyện Hải Hậu của xã là 45 tỷ đồng với 212 hộ vay vốn, tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 8,5 tỷ đồng với 214 hộ vay vốn. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn có hiệu quả bền vững như mô hình nuôi cá kết hợp vịt đẻ siêu trứng của ông Lê Văn Thanh; mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm của anh Đinh Văn Tình; mô hình nuôi cá kết hợp trồng cây hoàng thanh của anh Vũ Văn Chuyên… đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cán bộ Hội Nông dân xã Hải Thanh dẫn chúng tôi đến trang trại của gia đình ông Mai Văn Sơn trong vùng chuyển đổi rộng 24,7ha tại xóm Trần Cường. Ông Sơn cho biết: “Năm 2009, được xã khuyến khích tạo điều kiện, tôi đã quyết định nhận thầu 7ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo thành ao nuôi thủy sản kết hợp nuôi vịt đẻ. Sau quá trình nỗ lực đầu tư cải tạo, đến nay gia đình tôi đã xây dựng được 5 ao nuôi các loại cá trôi, cá chép và cá nheo, đạt sản lượng bình quân 15 tấn/năm. Trên bờ, tôi xây 6 dãy chuồng, nuôi trên 10 nghìn con vịt đẻ, trung bình mỗi ngày trang trại thu được trên 8.500 quả trứng”. Có nguồn trứng dồi dào, ông Sơn tiếp tục đầu tư mua thêm 9 máy ấp trứng lộn, vịt giống cung cấp cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm trang trại cá - vịt đã mang lại nguồn doanh thu cho gia đình ông Sơn từ 4-5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình chăn nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGAHP của gia đình ông Sơn trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã... Hiện tại, sản phẩm “Trứng vịt quê” của gia đình ông Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tại vùng chuyển đổi Trần Cường, gia đình anh Đoàn Văn Thanh cũng đang tất bật xây dựng thêm dãy chuồng mới để kịp vụ nuôi mới. Anh Thanh cho biết: “Được xã tạo điều kiện, từ năm 2016, gia đình đã đấu thầu xây dựng trang trại VAC tổng hợp. Hiện tại, trang trại của gia đình đang nuôi 15 con lợn nái và 60 con lợn thịt theo mô hình chăn nuôi lợn sạch tiết kiệm nước để cải thiện môi trường chăn nuôi và 3 ao nuôi thả cá truyền thống. Bình quân mỗi năm, trang trại xuất bán ra thị trường hơn 200 con lợn đem về doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Dự kiến sắp tới, gia đình tôi xây dựng thêm 1 dãy chuồng lạnh quy mô 200 con để mở rộng quy mô trang trại”.
Để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm an toàn cho sức khỏe tiêu dùng, xã đã tạo điều kiện xây dựng Cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa. Cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn do chính thành viên HTX sản xuất như: trứng vịt quê OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, các loại thịt gà, vịt thương phẩm, các loại tôm, cá, ốc nuôi truyền thống, rau củ quả không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, cửa hàng giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, 4 sao của huyện và sản phẩm truyền thống ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện như: giò gân của cơ sở sản xuất giò Phúc Thuận (Hải Hưng); dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu (Hải Lộc); nước mắm Hải Dương, mắm tôm Hải Dương (Hải Triều); nước mắm Thoa Định, mắm tôm Thoa Định (Hải Lý); miến dong Huệ Đồng (Hải Minh); bánh nhãn của hộ kinh doanh Lưu Liên Phương (Hải Bắc); trà nhân trần, trà gừng đen, trà hoạt huyết dưỡng não, trà Silymarin của Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu (Hải Phương); trứng gà của HTX chăn nuôi và cung cấp thực phẩm sạch xã Hải Sơn; bột Hoàng Thanh của HTX nông nghiệp xã Hải Trung; thịt lợn hữu cơ thảo dược của cơ sở Hiền Thục xã Trực Thái (Trực Ninh)… Các sản phẩm đều được cam kết đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do các HTX, tổ hợp tác có uy tín và các hội viên nông dân trên địa bàn huyện chăn nuôi, sản xuất, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Ngoài hình thức bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, cửa hàng tiếp tục liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tổ chức bán hàng online trên các trang mạng như zalo, facebook để nâng cao khả năng tiêu thụ.
Năm 2024, xã Hải Thanh phấn đấu tổng giá trị sản xuất cả năm đạt hơn 650 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu đó, các tháng cuối năm 2024, xã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân trong thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản. Hỗ trợ tích cực phát triển xây dựng thương hiệu “Bưởi Diễn” đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhân rộng các điển hình, xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin