Với sự vào cuộc quyết liệt từ các tổ chức tín dụng (TCTD), cùng hành lang pháp lý dần được hoàn thiện góp phần tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, người có thu nhập thấp, qua đó thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ.
Giải ngân vốn vay tại Quỹ Tín dụng nhân dân Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với hoạt động của từng loại hình TCTD, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng, từ đó mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thống của hệ thống ngân hàng để phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 hướng dẫn hoạt động cho vay phục vụ đời sống của TCTD đối với khách hàng; Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung các quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận tín dụng của khách hàng, vay vốn với thời gian nhanh hơn, thủ tục thuận tiện hơn; Quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/3/2016, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019)…
Một trong những điểm nhấn quan trọng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng là ngày 28/6/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 được thị trường ghi nhận có “tháo gỡ rào cản” rất lớn đối với cho vay tiêu dùng. Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một nội dung quan trọng của Thông tư 39/2016/TT-NHNN là quy định đối với khoản vay có giá trị nhỏ dưới 100 triệu đồng không bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin về người có liên quan. Các TCTD chỉ cần có thông tin tối thiểu về sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay vốn. Đối với những khoản vay nhỏ lẻ này, TCTD được chủ động thực hiện các biện pháp kiểm tra, rà soát về việc sử dụng vốn vay khách hàng. Quy định mới này nhằm thúc đẩy nhanh hơn quyền quyết định cho vay vốn của TCTD. Từ đó, hỗ trợ khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ, nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng hơn để hạn chế tín dụng đen trên thị trường.
Theo các chuyên gia ngành Ngân hàng, thông thường, khi vay vốn từ TCTD, khách hàng sẽ phải bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích và phải hoàn trả gốc, lãi đúng thời hạn. Từ đó, các ngân hàng sẽ đặt ra điều kiện cho vay bao gồm sử dụng vốn đúng mục đích, có phương án kinh doanh khả khi, có khả năng tài chính tốt, có pháp lý rõ ràng, có tài sản bảo đảm. Nhưng quy định này không phân loại cho từng nhóm khách hàng, từng phương thức cho vay khác nhau nên cả những khoản vay tiêu dùng nhỏ cũng phải chứng minh phương án tài chính khả thi… khiến cho nhiều khách hàng không thể tiếp cận với vốn vay tiêu dùng, dẫn đến dòng vốn bị “tắc nghẽn”. Tuy nhiên, hiện tại chính sách tín dụng đã thay đổi, đặc biệt sau khi Chính phủ xác định ba lực đẩy của nền kinh tế hiện nay là xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng, hoạt động cho vay tiêu dùng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các ngân hàng thương mại vì thế cũng phải nhanh chóng bắt nhịp, chuyển hướng trong hoạt động kinh doanh. Nếu như các Ngân hàng thương mại lớn như Agribank, Vietcombank, Vietinbank… trước đây chủ yếu cho vay doanh nghiệp lớn, khoản vay lớn, dự án lớn thì hiện nay đã dành sự quan tâm nhất định đến phân khúc cho vay tiêu dùng, thậm chí còn tận dụng lợi thế về mạng lưới, giá vốn thấp để cho vay với lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường. Ở những ngân hàng TMCP với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ thì cho vay tiêu dùng càng được chú trọng. Các ngân hàng như Sacombank, VPBank, OCB… có thế mạnh cho vay tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển kinh doanh hàng hóa dịch vụ cũng là để phục vụ tiêu dùng. Cụ thể như: Gói 20 nghìn tỷ đồng của Agribank triển khai chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị; SHB mở rộng quy mô gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân “Vay ưu đãi - Rồng phát tài” lên gần 29 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay chỉ từ 5,79%/năm.
Theo đánh giá của các ngân hàng, Thông tư 12/2024/TT-NHNN được ban hành phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, vì với những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng, khách hàng luôn mong muốn thời gian phục vụ nhanh nhất, thủ tục đơn giản nhất. Ngoài ra, quy định mới cũng giúp tăng cường quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, giảm thiểu các giấy tờ, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn nhanh chóng cho khách hàng hơn, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng qua việc chuẩn hóa dữ liệu đầu vào từ sàng lọc tài khoản ngân hàng của khách hàng; dữ liệu lịch sử tín dụng trên CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia). Ngành Ngân hàng cũng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, trong đó tập trung làm “sạch” cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng, xác thực khách hàng điện tử qua căn cước công dân gắn chíp khi thực hiện giao dịch với ngân hàng... Từ những dữ liệu này, các ngân hàng sẽ có thể chấm điểm tín dụng, điểm tín nhiệm của khách hàng cá nhân để thúc đẩy cho vay tiêu dùng, giải ngân tự động hoặc giải ngân online. Các ngân hàng cũng sẽ mở rộng nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng như thấu chi tài khoản giúp tăng trưởng tín dụng của khách hàng cá nhân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và phục hồi nền kinh tế.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin