Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện Giao Thủy luôn quan tâm thực hiện tiêu chí số 13 - hình thức tổ chức sản xuất (TCSX) và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Đây là tiêu chí quan trọng nhằm định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững, nâng cao giá trị sản xuất và cũng là điểm mạnh trong quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao, giúp huyện trở thành “quán quân” của tỉnh.
Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến. |
Huyện Giao Thủy có điều kiện tự nhiên phong phú, thích hợp để đa dạng hóa sản xuất cây trồng, vật nuôi từ nông nghiệp đến lâm nghiệp, thủy sản, đặc trưng của đồng bằng và ven biển. Tuy nhiên, xuất phát điểm của huyện khi triển khai xây dựng NTM còn thấp, kinh tế vẫn mang tính thuần nông, thời điểm đầu, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, kém hiệu quả. Để thực hiện tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, Huyện ủy, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất; quyết tâm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Theo đó, huyện đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Tổ chức thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư phát triển sản xuất, hoàn thành mục tiêu “tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM” như Nghị quyết của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng phát triển.
Huyện duy trì diện tích gieo trồng trên 9.000 ha/năm và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển những diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, lâu năm và đa canh mô hình lúa - cá, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 1,5-3 lần so với trồng lúa. Huyện khuyến khích dồn đổi, tập trung ruộng đất thành các cánh đồng quy mô lớn, khắc phục manh mún để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng từ nông hộ sang trang trại, gia trại tập trung, thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thiết bị cơ giới hiện đại vào sản xuất, giảm rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; vận dụng tốt cơ chế khuyến khích áp dụng chăn nuôi công nghệ cao, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất từ giống, thức ăn, nuôi thương phẩm, đến thu hoạch, chế biến... nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Kinh tế thủy sản tập trung phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước giảm cơ cấu, sản lượng, phương tiện khai thác thủy sản ven bờ; chú trọng phát triển nuôi biển và các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các vùng nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sau gần 7 năm từ khi hoàn thành xây dựng huyện NTM đến nay, tỷ trọng kinh tế nông, lâm, thuỷ sản của huyện chỉ còn 31,35% trong cơ cấu kinh tế, giảm 40,68% so với trước khi xây dựng NTM, nhưng bình quân giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 138,57 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước đây; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 84,4 triệu đồng/năm, tăng hơn 64 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 11 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 395ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng; phát triển 105 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3, 4 sao, có ứng dụng thiết lập hệ thống điện tử để truy xuất nguồn gốc và phục vụ tiêu thụ. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế của hộ gia đình và của địa phương như: Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao và nuôi ngao sạch của hộ ông Lê Văn Hưng ở xã Giao An; chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây thảo dược của Công ty TNHH Công Danh ở xã Giao Hà; trồng và sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nấm của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm và Tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp ở xã Hồng Thuận; tích tụ ruộng đất để trồng lúa, rau màu theo hướng hữu cơ của HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc ở xã Giao Tiến; sản xuất cá giống và nuôi cá nước ngọt thương phẩm của hộ ông Đỗ Văn Khương ở xã Giao Thịnh.
Đặc biệt trên địa bàn huyện đã xây dựng thành công mô hình xã NTM kiểu mẫu về TCSX tại xã Giao Tiến. Từ chỗ sản xuất chủ yếu một số cây trồng truyền thống như ngô, lúa theo phương pháp canh tác cũ, đến nay xã đã chuyển đổi ngoạn mục với việc xây dựng thành công cánh đồng lớn sản xuất lúa BT7 theo chuỗi liên kết tiêu thụ, được cấp mã số vùng trồng. Duy trì hoạt động của 4 HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu mới vừa TCSX, vừa liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đảm bảo ổn định cho sản lượng trên 5.000 tấn thóc, 300 tấn khoai tây và 1.200 tấn rau màu mỗi năm. Xây dựng thành công 6 sản phẩm OCOP hạng 3 sao cho nông sản địa phương gồm: cà rốt, củ cải, khoai tây, súp lơ xanh, cà chua hồng và vịt trời thương phẩm. Những sản phẩm OCOP của xã nhanh chóng lan tỏa qua nhiều kênh phân phối từ thương mại điện tử đến các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể, trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, ngành nghề nông thôn cũng từng bước phát triển bền vững với gần 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ; trên 60 cơ sở chế biến nông sản; 4 doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt trên 80 triệu đồng/người (cao hơn 10 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM kiểu mẫu).
Không chỉ phát triển sản xuất các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đến nay, toàn huyện có 45 HTX kiểu mới; trong đó có 41 HTX sản xuất và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản, 4 HTX kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, du lịch. Các HTX dịch vụ nông nghiệp, thủy sản đã tổ chức tốt hoạt động theo quy định, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; liên kết đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đạt trên 30% tổng sản lượng, dịch vụ chính của HTX, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tăng thu nhập cho các thành viên và góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Doanh thu và thu nhập của các HTX hàng năm tăng từ 5-7%. Một số HTX hoạt động hiệu quả, nổi bật như: HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc đạt doanh thu 4,6 tỷ đồng/năm, HTX chăn nuôi và nuôi trồng xã Giao Hải đạt doanh thu trên 8 tỷ đồng/năm
Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực TCSX gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế - xã hội của huyện Giao Thủy ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, hiện đại, thời gian tới, huyện Giao Thủy yêu cầu mỗi ngành, địa phương đề ra những giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại, nhất là sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị với các sản phẩm thế mạnh như: gạo BT7, mật ong sú vẹt Xuân Thủy, thủy sản... Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân trong các mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP có tính hàng hóa cao, hình thành được các thương hiệu nông sản địa phương có sức cạnh tranh trên thị trường, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin