Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh, những tháng đầu năm 2024, công tác quản lý Nhà nước về vận tải trên địa bàn tỉnh luôn được Sở GTVT triển khai thực hiện theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô đã từng bước đi vào nền nếp, chất lượng không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa giao thương trong, ngoài tỉnh.
Phương tiện vận tải thủy lưu thông thuận tiện từ sông Ninh Cơ sang sông Đáy qua Âu tàu Nghĩa Hưng. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 377 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải) được Sở GTVT cấp giấy phép tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô với tổng cộng 2.406 phương tiện. Trong đó, có 190 đơn vị kinh doanh vận tải khách với 1.871 phương tiện và 36 nghìn ghế; 206 đơn vị vận tải hàng hoá với 535 xe và 5.655 tấn tải trọng. Trên đường bộ còn có 41,2km tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn với 6 ga hành khách và hàng hoá, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá thông thương giữa Nam Định và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài vận tải đường bộ là chủ lực, vận tải thủy nội địa và pha sông biển (cận hải) của tỉnh cũng được khai thác, phát huy tốt lợi thế có 3 cảng biển, 6 cảng sông, 130 bến thuỷ nội địa, 80 bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính: Hồng, Đào, Ninh Cơ, Đáy; có các tuyến vận tải thủy chính của đồng bằng Bắc Bộ đi qua địa bàn như: Ba Lạt - Hà Nội (qua hệ thống sông Hồng); Lạch Giang - Hà Nội (sông Hồng, sông Ninh Cơ); Quảng Ninh - Ninh Bình (sông Đào, sông Hồng, sông Đáy); Cửa Đáy - Ninh Bình (sông Đáy). Hạ tầng giao thông đường thủy không ngừng được đầu tư (Cụm công trình luồng qua cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang) và các công trình bảo vệ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) và Cụm công trình Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng nối sông Đáy và sông Ninh Cơ) đã tạo cơ hội lớn để tỉnh ngày càng phát triển ngành vận tải thủy, đa dạng hóa loại hình vận tải, giảm áp lực cho đường bộ, tăng năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.580 phương tiện vận tải thủy các loại (tàu chở hàng, tàu dầu, phà chở khách ngang sông); trong đó có 177 phương tiện tàu pha sông biển, 60 tàu biển hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và trên các vùng biển quốc tế; khoảng 220 cảng, bến thủy nội địa. Trong 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động vận tải của tỉnh phát triển ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và luân chuyển nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 13.832 nghìn lượt khách, tăng 4,8% và luân chuyển 1.049 triệu lượt khách.km, tăng 5%; sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 29.763 nghìn tấn hàng hóa, tăng 15,8% và luân chuyển 6.310 triệu tấn.km tăng 16,9%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 4.933 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện hoạt động vận tải của tỉnh còn một số khó khăn, bất cập như: Vận tải hàng hóa chủ yếu hoạt động trong phạm vi đường ngắn, để thu gom tạo chân hàng/nguồn hàng cho các phương thức vận tải khác; chỉ vận chuyển trên các tuyến mà các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa không thể đáp ứng được; hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình dịch vụ, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km; hoạt động vận tải đường thủy nội địa chưa phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế…
Trước thực trạng đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 10336/KH-BGTVT ngày 15/9/2023 của Bộ GTVT, Sở GTVT Nam Định ban hành Kế hoạch “Phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để từng bước cơ cấu lại thị trường vận tải, ưu tiên phát triển thị phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải hàng hóa trên địa bàn đồng bộ với hệ thống logistics quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng từ Nam Định đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics…
Để thực hiện được mục tiêu đó, Sở GTVT đã đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động vận tải; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành… Trong đó giải pháp cấp bách là ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt và các cảng được điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics. Tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối để tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải trực tuyến. Chú trọng đầu tư phương tiện chở container trên đường thủy nội địa, vận tải ven biển; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa, đặc biệt là các khu vực trọng điểm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy, hải sản. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa, vận tải ven biển; giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải… Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động của các phương thức vận tải, thống kê số liệu vận tải, các phần mềm quản lý hoạt động vận tải, quản lý phương tiện vận tải..., đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các đơn vị kinh doanh vận tải trong toàn quốc. Tổ chức mạng lưới vận tải đường bộ, đường thuỷ trong tỉnh khoa học, thông suốt và cơ động, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin