Luật Đất đai 2024 đã chính thức được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 18/1/2024; được Chủ tịch nước ký Lệnh số 01/2024/L-CTN ngày 1/2/2024 về việc công bố Luật. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo đó, Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là ngày 1/1/2025).
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hải Hậu thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên môi trường điện tử. |
Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, tăng cường quản lý đất đai cả về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh. Việc đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra, sớm giải quyết, tháo gỡ những bất cập, hạn chế đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Ngay sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nam Định đã chủ động triển khai thi hành Luật Đất đai 2024. Ngày 11/4/2024 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trên địa bàn tỉnh Nam Định. Theo đó, UBND tỉnh đã xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong tổ chức các hoạt động triển khai Luật Đất đai 2024. Đồng thời tỉnh xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả các phần việc trọng tâm gồm: Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Đất đai.
Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng (trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường giữ vai trò là đơn vị chủ trì) đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Đất đai 2024 với nội dung thiết thực và bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội, đối tượng chịu sự tác động để các chính sách sớm đi vào cuộc sống và tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện. Đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 tới cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Bí thư các chi bộ, các trưởng thôn, trưởng xóm; các hội nghị tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai 2024; tuyên truyền Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai 2024 trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn chuyên sâu về Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về đất đai ở các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã.
So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: Bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 1/1/2026; đất không có giấy tờ trước ngày 1/7/2014 được cấp sổ đỏ; đất cấp sai thẩm quyền sau 2014 sẽ được cấp sổ đỏ; thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chỉ được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất; cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất… Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai 2024, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Khi thực hiện, Luật Đất đai 2024 phát huy ngay hiệu quả, đặc biệt là các nội dung quyền của người sử dụng đất như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; chính sách tài chính đất đai, giá đất; cho phép người sử dụng đất được sử dụng kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai…
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất để thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai 2024, hạn chế tối đa độ trễ và đứt quãng chính sách, tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ lĩnh vực quản lý, phụ trách và nội dung được giao trong Luật, các Nghị định hướng dẫn chi tiết và phải ưu tiên dồn nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng để có thể sớm trình HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền như: Quy định bảng giá đất hàng năm, bảng giá đất lần đầu, bảng giá đất hàng năm; hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở; diện tích tối thiểu và điều kiện tách thửa, hợp thửa đất; hạn mức giao đất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, các loại giấy tờ khác của người sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 áp dụng trên địa bàn tỉnh Nam Định và Quy định một số điểm cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất; đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất và đơn giá bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi; các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị và dự án khu dân cư nông thôn quy định tại khoản 27 Điều 79 Luật Đất đai…
Đáng kể, để việc triển khai Luật Đất đai 2024 mang lại tối đa quyền lợi cho người sử dụng đất, tỉnh cũng xác định các ngành, các địa phương cần lưu ý tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm và bảng giá đất lần đầu được HĐND tỉnh thông qua và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo, vì vậy cần đặc biệt chú trọng tổ chức xây dựng bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường theo quy định mới của Luật. Đối với Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025, trường hợp cần thiết UBND tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương theo đúng quy định. Về giá đất cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; do đó, bên cạnh sự quyết liệt của cấp tỉnh, các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác tập huấn về giá đất cho cán bộ cấp huyện, đồng thời, bố trí cán bộ, nguồn lực để Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền được giao… Về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, UBND tỉnh sẽ thực hiện tốt việc quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận thời gian qua…
Thời gian tới, các sở, ban, ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai 2024. Đối với các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai 2024 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, tỉnh và các sở, ban, ngành sẽ bảo đảm khẩn trương, triển khai, hướng dẫn áp dụng hiệu quả vào thực tiễn tại địa phương nhằm đưa nhanh Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin