Hướng tới mục tiêu tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giữ gìn môi trường sinh thái, xã Yên Lương (Ý Yên) đã và đang khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết hàng hóa, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại hộ kinh doanh của chị Phạm Thị Tuyến, xã Yên Lương (Ý Yên). |
Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo của Công ty TNHH Toản Xuân có trụ sở tại xã Yên Lương với các hộ dân trong xã cũng như nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đang là điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Từ vụ liên kết đầu tiên năm 2016 với quy mô 200ha, đến nay công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu trong chuỗi liên kết lên gần 1.500ha tại tất cả các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn như Ninh Bình, Hải Dương. Hiện công ty đã xây dựng được các sản phẩm gạo OCOP 4 sao là “Toản Xuân 888”, “Toản Xuân dẻo thơm - ngon đậm đà”. Thương hiệu gạo sạch Toản Xuân đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm gạo Thái Lan, gạo Campuchia và có mặt trên 35 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản lượng gạo sạch chất lượng cao được công ty cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 tấn/năm. Để đạt được kết quả trên, công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến gạo sạch khép kín từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến bảo quản không sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn HACCP và chứng nhận ISO, đảm bảo chất lượng gạo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời tạo mối quan hệ lợi ích hữu cơ trong liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông. Ngoài chuỗi sản xuất lúa, công ty còn thực hiện mô hình sản xuất su hào, cải bắp, cà chua, khoai tây… hữu cơ tại Yên Lương với quy mô 2ha theo TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ. Mỗi tháng công ty cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị hàng chục tấn rau sạch, an toàn các loại, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, công ty còn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phụ phẩm sau khi xay xát được tận dụng để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi…
Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Yên Lương đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng trên Đài truyền thanh của xã về kế hoạch, biện pháp thực hiện để nhân dân nắm bắt và chủ động thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ban nông nghiệp xã đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Lương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tập huấn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo định hướng hữu cơ với Công ty TNHH Toản Xuân. Đồng thời phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn kỹ năng chuyên sâu về chế phẩm sinh học ET, ứng dụng biện pháp kỹ thuật canh tác lúa và kỹ thuật sản xuất lúa an toàn… Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và các chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của xã Yên Lương phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến với người tiêu dùng. Đến nay, xã xây dựng được 2 cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu với quy mô trên 50ha/cánh đồng; 1 mô hình liên kết sản xuất dưa lê với quy mô 18,5ha; 1 vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng quy mô 31,2ha tại thôn Từ Vinh; 1 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo chất lượng cao (các giống lúa ST24, lúa Đài thơm 8, Khang dân 18) với Công ty TNHH Toản Xuân…
Trên địa bàn xã cũng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, điển hình là chị Phạm Thị Tuyến, thôn An Ngọc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo. Năm 2023, sản phẩm của gia đình chị có tên “Nấm đông trùng hạ thảo Thành Nam” được chứng nhận OCOP 3 sao tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động địa phương. Mô hình liên kết chăn nuôi thỏ thương phẩm của ông Đỗ Văn Bổng, thôn Nhân Nghĩa quy mô 700-800 con thỏ thịt/lứa, được Công ty NIPPON ZOKI Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho lãi hàng trăm triệu đồng/năm… Hiện các sản phẩm chủ lực của xã như: gạo sạch 888, cà chua Toản Xuân, cải bó xôi Toản Xuân, gạo sạch Toản Xuân, nấm đông trùng hạ thảo Thành Nam đều có ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc; đồng thời được quảng bá, giới thiệu, kinh doanh trên sàn điện tử và các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo.
Đồng chí Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lương cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện phát triển nông nghiệp xanh, bền vững bằng các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của nông dân. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP; xây dựng vùng trồng có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, sản phẩm an toàn. Thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp liên kết với các HTX nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của địa phương đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin