Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân (HND) xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đã xuất hiện và nhân rộng nhiều điển hình nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của xã.
Gia đình ông Vũ Đức Huynh, thôn Nam Lạng chuẩn bị nguồn dược liệu sản xuất các sản phẩm trà, si rô thảo mộc. |
Đến cơ sở sản xuất của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Việt Tiến vào một sáng hè mát dịu, chúng tôi được chứng kiến các bà, các chị đang miệt mài, khéo léo đan những chiếc giỏ hoa xinh xắn, chuẩn bị cho đơn hàng mới. Ông Trần Văn Toản, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện có 12 thành viên, sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động nữ tại địa phương và các xã lân cận. Để phát triển sản xuất, gia đình ông đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng với tổng diện tích 500m2 cùng nhiều thiết bị phục vụ sản xuất như máy hàn, máy mộc để pha chế gỗ, sắt. Sản phẩm lẵng hoa của HTX được làm từ nhiều nguyên liệu như: sắt phủ sơn tĩnh điện, gỗ, tre nứa, mây, cói, sợi nhựa giả mây… với mẫu mã phong phú, đủ kiểu dáng, kích cỡ. Từ những chiếc lẵng nhỏ xinh để bàn đến lẵng to, cao hàng mét, dùng để cắm hoa trong các dịp đại lễ, khai trương, các sự kiện lớn; ngoài ra còn có các sản phẩm khác như hộp đựng giấy ăn, giỏ đựng hoa quả, lẵng trang trí đồ cưới hỏi, giỏ quà tết… Gia đình ông thường xuyên tham khảo các mẫu mã mới trên mạng và tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo để đa dạng các loại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Trung bình một tháng, cơ sở sản xuất của HTX bán ra thị trường trên 1 vạn sản phẩm. Ngoài cơ sở sản xuất tại xã Trực Tuấn, HTX hiện có một xưởng sản xuất tại tỉnh Thanh Hóa, đưa sản phẩm đến các thị trường rộng mở hơn…
Tại gia đình ông Vũ Đức Huynh - bà Trần Thị Thúy ở thôn Nam Lạng, trên khoảng sân gạch vàng rực nắng, các nhân công đang phơi nguyên liệu chuẩn bị cho mẻ sản xuất trà thảo mộc mới. Từ không gian rộng rãi của sân phơi đến khu vực lò sấy thô nguyên liệu, khu đóng gói sản phẩm đều ngào ngạt hương thơm mát ngọt của các loại dược liệu quý. Với kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết của hộ gia đình có 7 đời làm nghề thuốc đông y gia truyền, những năm qua, vợ chồng ông Huynh đã đầu tư máy móc thiết bị, sản xuất thêm các sản phẩm trà thảo mộc, si rô thảo mộc Sunam, được công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2023. Gia đình ông bà hiện có vùng trồng nguyên liệu trên tỉnh Lai Châu, đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho việc sản xuất. Hiện cơ sở đang làm thêm 2 sản phẩm OCOP gồm thuốc xoa bóp Sunam và ngâm chân thảo mộc Sunam.
Tại thôn Nam Lạng Tây, anh Trần Văn Dũng nhiều năm qua đã thành công với mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp nuôi ếch, cá rô đồng với trồng lúa, chủ lực là các giống ST25, Bắc thơm. Từ năm 2022, anh bắt đầu tích tụ ruộng đất trồng lúa và nuôi thủy sản với tổng diện tích 10ha; trong đó trồng lúa 9ha, nuôi ếch, cá rô đồng 1ha. Hàng năm, sản lượng lúa đạt 93 tấn; sản lượng ếch khoảng 80 tấn, cá rô đồng 13 tấn. Thu nhập sau khi đã trừ chi phí khoảng 350 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Là thành viên tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp xã Trực Tuấn, anh thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các thành viên để cùng nhau phát triển sản xuất có hiệu quả. Anh Dũng chia sẻ, mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp nuôi ếch, cá rô đồng với trồng lúa đã giảm được 50% chi phí mua phân bón do tận dụng được nguồn phân ếch, cá để trồng lúa. Trong quá trình sản xuất, anh đã cải tiến xả phân ếch, cá ra mương để nước hòa tan rồi mới cấp vào ruộng nên lúa tốt đồng đều, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc nuôi ếch, cá ở cánh đồng do phù hợp môi trường nên con nuôi khỏe hơn, ít dịch bệnh và phát triển tốt, chất lượng thịt thơm ngon. Đặc biệt, với lợi thế của gia đình có xưởng cơ khí chuyên sản xuất cổng, cửa nhôm đúc, anh Dũng đang nghiên cứu chế tạo máy phun thuốc sâu lội ruộng để phục vụ sản xuất…
Ngoài các điển hình trên, trên địa bàn xã còn có rất nhiều hội viên nông dân đã khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ ông Mai Văn Thắng ở chi hội thôn Quần Lương; hộ ông Vũ Văn Nghiên ở chi hội thôn Nam Lạng Tây; hộ ông Vũ Văn Liên, ông Vũ Văn Cường ở thôn Thượng Đồng và nhiều gia đình hội viên khác. Qua đó đã góp phần nâng cao mức sống cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên nông dân.
Đồng chí Trần Thị Thêu, Chủ tịch HND xã Trực Tuấn cho biết, để nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, những năm qua HND xã đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên về vốn, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; khuyến khích hội viên tham gia tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Trong đó, Hội đang quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 500 triệu đồng cho 10 hộ vay. Tổng số dư nợ Ngân hàng NN và PTNT 21 tỷ 500 triệu đồng cho 121 hộ vay… Cùng với đó, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được triển khai sâu rộng ở 8/8 chi hội. Ngoài sản xuất nông nghiệp, cán bộ, hội viên nông dân còn tích cực duy trì, phát triển một số ngành nghề như mộc, xây dựng và thủ công mỹ nghệ, sản xuất nguyên vật liệu, may công nghiệp…, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. Từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, HND xã đã nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đóng góp tích cực vào thành quả chung của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Năm 2023, xã Trực Tuấn đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin