Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, Sở GTVT đã thường xuyên, tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.
Thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thủy. |
Với mục tiêu đảm bảo các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm chi phí, trong chỉ đạo công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT đã chú trọng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, bảo trì, phát hiện kịp thời hư hỏng để sửa chữa, khắc phục từ sớm. Trong lĩnh vực đường bộ, Sở đã thực hiện cấp phép thi công trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo phân cấp đảm bảo đúng quy định; đề xuất các công trình xử lý, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố Nam Định cập nhật số liệu đường bộ năm 2024; chuẩn bị các thủ tục đầu tư liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP-F0). Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường các tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất biện pháp xử lý các hạn chế nhằm đảm bảo giao thông; kiểm tra các chủ đầu tư, nhà thầu được Sở GTVT cấp phép thi công; hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện và thành phố Nam Định triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường theo phân cấp quản lý. Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thi công và bàn giao đưa vào sử dụng một số đoạn tuyến của dự án xây dựng đường tỉnh 485B, đường bộ ven biển; thực hiện thẩm tra an toàn giao thông (ATGT) trước khi đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh 485B...
Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Sở đã bàn giao hồ sơ cho UBND các huyện, thành phố Nam Định và hướng dẫn các đơn vị chuyên môn cấp huyện về công tác quản lý cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa theo quy định tại Nghị định số 06/2024/NĐ-CP ngày 25/01/2024 của Chính phủ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền thành lập và tổ chức hoạt động hai bến phà mới là bến Kinh Lũng trên tuyến đường tỉnh 485B và bến Ninh Mỹ trên tuyến đường tỉnh 488C. Đôn đốc đơn vị quản lý các bến vượt sông làm tốt công tác đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt tại các bến phà do Sở GTVT trực tiếp quản lý. Trong lĩnh vực đường sắt, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua và các đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28/7/2020 của UBND tỉnh về đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên nâng cao chất lượng công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Sở đã thực hiện 184 kết quả thẩm định, tham gia ý kiến thẩm định các dự án công trình giao thông trên địa bàn đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật; thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành 3 công trình; tham gia ý kiến liên quan đến chủ trương lập, điều chỉnh, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án với 122 văn bản. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ phương án đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11). Cùng với đó, Sở đã tổ chức quản lý dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo hợp đồng ký kết công trình cải tạo, nâng cấp cầu Vọp 1, cầu Vọp 2 trên sông Vọp huyện Giao Thủy. Chủ động, tích cực làm việc với các đơn vị có liên quan để trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án: Xử lý đảm bảo giao thông tại các nút giao trên hệ thống đường tỉnh và Xử lý đảm bảo giao thông tại các vị trí có trường học trên các tuyến đường tỉnh. Phối hợp, đôn đốc Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các huyện tập trung thực hiện công tác GPMB, cơ bản đã hoàn thành và đáp ứng tiến độ yêu cầu của các dự án: cầu Bến Mới; cầu Đống Cao; dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy nội địa, Sở đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu 6 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông (2 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ, 4 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường địa phương). Thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường theo đúng hợp đồng ký kết. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng hoặc các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đường bộ gây mất ATGT. Xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực để thực hiện công tác đảm bảo giao thông, khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đường bộ tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông, bến phà, cầu phao để xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Công tác sửa chữa định kỳ hệ thống quốc lộ đảm bảo tiến độ. Đối với 12 công trình theo kế hoạch năm 2024 được Bộ GTVT giao, đến thời điểm hiện tại đang thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu 11 công trình (gồm 11 gói thầu thi công xây dựng và 11 gói thầu tư vấn giám sát). Đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình xử lý điểm tiềm ẩn mất ATGT đoạn từ Km101+875-Km103+057 trên tuyến Quốc lộ 21B. Hoàn thành xây dựng kế hoạch bảo trì quốc lộ năm 2025 được Cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, chấp thuận, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì năm 2025, trong đó Sở GTVT Nam Định được đề xuất 14 danh mục công trình với tổng mức đầu tư 106,5 tỷ đồng.
Những tháng cuối năm 2024, Sở GTVT chỉ đạo tăng cường việc áp dụng kỹ thuật công nghệ trong quản lý bảo trì đường bộ (phần mềm quản lý kiểm tra và giám sát bảo trì đường bộ GovOne; phần mềm quản lý tài sản đường bộ (RAMS); phần mềm quản lý cầu trên quốc lộ (VBMS); phần mềm quản lý, sử dụng và khai thác hệ thống quản lý tình trạng mặt đường (PMS))... để chủ động quản lý, sát sao theo dõi công tác bảo trì đường bộ nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Tập trung rà soát, ưu tiên xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, các kiến nghị về bất cập trong công tác tổ chức giao thông của lực lượng công an, cử tri các địa phương góp phần giảm tai nạn giao thông trong quá trình khai thác. Trước hết, tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên (sơn sửa, bổ sung biển báo, cọc tiêu,...), kịp thời sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo giao thông êm thuận, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý chất lượng bảo trì và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong hoạt động sửa chữa đường bộ. Thường xuyên cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý và xây dựng, bảo trì.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin