Thanh niên Nam Định thi đua phát triển kinh tế

07:50, 15/07/2024

Với tinh thần nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã hăng hái tham gia phong trào phát triển kinh tế, từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình trồng, kinh doanh hoa của anh Vũ Minh Thịnh, thôn Bình Dân, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng, kinh doanh hoa của anh Vũ Minh Thịnh, thôn Bình Dân, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có nghề truyền thống trồng hoa, ngay từ khi còn nhỏ, anh Vũ Minh Thịnh, thôn Bình Dân đã gắn bó với công việc trồng, chăm sóc hoa cùng gia đình. Sau một thời gian trồng hoa, nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm hoa cúc, hoa huệ rất lớn, nhưng gia đình vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, anh đã nghiên cứu thị trường mở rộng diện tích sản xuất để tăng sản lượng, với mong muốn đưa sản phẩm của địa phương tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Từ chỗ diện tích chỉ có 2-3 sào, anh mạnh dạn vay vốn của bạn bè, gia đình để thuê hơn 3.600m2 mẫu đất của xã mở rộng diện tích trồng hoa. Đến nay, với tổng diện tích hơn 5.000m2, anh Thịnh sản xuất hơn 7.000 gốc hoa các loại quay vòng theo thời điểm, doanh thu từ 700-800 triệu đồng/năm. Hoa của gia đình anh được xuất đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Không chỉ nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, anh còn tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, anh Thịnh còn liên kết với một số hộ sản xuất nhỏ trong xã, kết nối với khách hàng trong và ngoài tỉnh để thu mua giống và hoa cho bà con, góp phần tiêu thụ số lượng lớn hoa giống và hoa thương phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm của địa phương đến với nhiều khách hàng hơn. Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cho biết: Phong trào thi đua phát triển kinh tế đã phát triển sôi nổi, rộng khắp trong đoàn viên, thanh niên, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện toàn xã có gần 100 đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống trồng hoa của địa phương, kết hợp với nuôi cá và một số nghề phụ khác. Năm 2023, Đoàn Thanh niên xã đã huy động đoàn viên, thanh niên ủng hộ hơn 200 ngày công dọn dẹp vệ sinh môi trường; ủng hộ 2 bộ dụng cụ thể thao ngoài trời cho các nhà văn hoá trị giá 10 triệu đồng; ủng hộ gần 20 triệu đồng xây dựng các nhà văn hoá theo tiêu chí nông thôn mới.

Nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế, thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tạo cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên xây dựng các dự án mới vay vốn để phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo, làm giàu bền vững; duy trì hình thức góp vốn xoay vòng không tính lãi trong đoàn viên, thanh niên mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có 176 tổ tiết kiệm và vay vốn, 6.026 hộ vay và tổng dư nợ 257,259 tỷ đồng. Tỉnh Đoàn cũng quản lý nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ kênh Trung ương Đoàn với tổng dư nợ 1,495 tỷ đồng. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã thanh niên, tháng 5/2024, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia hội nghị tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức tại thành phố Nam Định.

Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo cơ sở đoàn các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), khuyến khích đoàn viên, thanh niên trong tỉnh thi đua đề xuất các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Các cấp bộ đoàn có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân đoàn viên, thanh niên và gia đình từ những sản phẩm nông nghiệp vốn có của từng địa phương. Tiêu biểu như: mô hình “Thu gom và xử lý rác thải” của đồng chí Trần Văn Trường, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường); dự án “Nông trại cờ đỏ” của đồng chí Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); mô hình “nuôi cá Koi” của đồng chí Bùi Ngọc Biên, xã Yên Trung (Ý Yên); mô hình “Trồng sen trên ruộng trũng” của đồng chí Bùi Văn Doanh, xã Giao Hà (Giao Thuỷ)...

Nhằm giúp học sinh định hướng được việc chọn trường phù hợp với lực học và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, các Huyện Đoàn, Thành Đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn về kỳ thi tuyển sinh năm 2024, tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên tại các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn. Toàn tỉnh đã tổ chức 28 buổi tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm thu hút trên 26.500 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Các Huyện Đoàn, Thành Đoàn và đoàn trực thuộc triển khai hoạt động tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho đoàn viên, thanh niên; phối hợp tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết dự án kinh doanh và xu thế phát triển bao bì sản phẩm thế giới cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế; các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; chỉ đạo các Huyện Đoàn, Thành Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, nhằm lựa chọn, áp dụng vào điều kiện thực tế của từng địa phương.

Bài và ảnh: Diệu Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com