Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, nhiều hộ nông dân ở xã Hải Cường (Hải Hậu) đã mạnh dạn đưa giống ổi lê về trồng và chăm sóc, mang lại thu nhập cao, từng bước thoát nghèo.
Mô hình trồng ổi lê hữu cơ của gia đình chị Hoàng Thị Mơ, xóm 5, Hải Cường (Hải Hậu). |
Trước kia gia đình chị Vũ Thị Chinh ở xóm 6 chủ yếu làm kinh tế bằng việc chăn nuôi nhỏ lẻ và mấy sào trồng lúa. Công việc chăn nuôi, đồng áng vất vả lam lũ quanh năm nhưng thu nhập thấp, gia đình vẫn nghèo. Khi đến chơi ở nhà người họ hàng, chị Chinh tình cờ biết đến giống ổi ghép cho quả sớm, có vị ngọt và giòn hơn các loại ổi truyền thống khác. Ban đầu, chị Chinh mua 10 cây ổi giống về trồng thử, sau 6 tháng cây ổi bắt đầu cho trái. Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ cây ổi lê là rất lớn, sau khi đã tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, kỹ thuật trồng ổi, năm 2000, gia đình chị Chinh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng ổi. Hiện nay vườn ổi của gia đình chị đã rộng tới hơn 4.000m2 với gần 450 gốc ổi. Trung bình mỗi tháng chị Chinh hái bán được trên dưới 1 tấn ổi. Hái được bao nhiêu là thương lái đánh xe về tận vườn mua hết, nhiều khi không có đủ hàng để bán. Vào thời điểm chính vụ giá ổi thấp hơn chỉ khoảng hơn 10 nghìn đồng/kg, nhưng vào thời điểm trái vụ, giá ổi lê lên đến 20-25 nghìn đồng/kg. Tính bình quân, mỗi tháng chị có thu nhập hơn 10 triệu đồng, có những tháng vào rộ vụ, có thể thu tới gần 20 triệu đồng. Chị Chinh cho biết, để quả ổi lê cho chất lượng tốt, phải thăm vườn thường xuyên, bón phân đều đặn, cắt tỉa cành, tạo tán, hạn chế sâu bệnh. Lúc quả ổi còn non bằng ngón tay, người trồng bắt đầu dùng bao ni-lông PP và bao xốp để bọc trái ổi lại, tránh bị ruồi vàng tấn công, giúp quả đẹp, sáng màu.
Tuy mới bắt đầu trồng ổi lê từ năm 2021, đến nay, gia đình chị Hoàng Thị Mơ ở xóm 5 đã có hơn 100 gốc ổi trên diện tích 1.680m2. Giữa những ngày nắng hạ, những trái ổi trĩu trịt trên cành ẩn mình trong tán lá xanh. Tay thoăn thoắt bọc túi xốp cho những quả ổi non, cắt tỉa những lá, cành không cần thiết, chị Mơ cho biết: Đây là kỹ thuật cần thiết trong quá trình chăm sóc cây ổi nhằm phòng ngừa sâu bệnh hại, giúp quả ổi phát triển tốt. Vườn ổi của gia đình chị hoàn toàn không phun hóa chất bảo vệ thực vật, chỉ phun trị sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học như tỏi, gừng, ớt, rượu. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ, an toàn nên cây phát triển nhanh, ra quả quanh năm. Quả có hình trái lê, giòn và vị ngọt mát, ít hạt, giàu dinh dưỡng và cho thu nhập kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, trung bình mỗi năm vườn ổi mang lại cho gia đình chị khoảng 80 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Đầu tháng 3 vừa qua, mô hình ổi lê của gia đình chị Hoàng Thị Mơ là một trong 5 mô hình được Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển hỗ trợ nguồn vốn. Đây là chương trình do Trung tâm phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu tổ chức, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình nông nghiệp sinh thái của các hộ gia đình tại xã Hải Cường được hình thành và xây dựng với mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng và phụ thuộc vào các hoá chất trừ sâu độc hại cao trong sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường. Tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm thay thế dần các phương pháp canh tác hóa học, đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm và sản xuất an toàn được nông dân địa phương áp dụng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia kỹ thuật tại địa phương. Các mô hình đều áp dụng các biện pháp canh tác an toàn, phù hợp như: trồng và bón phân bằng phân hữu cơ 100% được ủ từ lá, rơm rạ và phân chuồng nhằm hạn chế tối đa quy chuẩn cho phép về phân bón hóa học và hoá chất trừ sâu. Các nữ nông dân tiên phong tại địa phương đã tình nguyện lên ý tưởng, phát triển và đăng ký mô hình canh tác của mình tham gia vào các hoạt động của dự án.
Với ưu điểm dễ trồng, quả ngon, giòn ngọt, nhanh cho thu hoạch, giá cả thị trường và đầu ra hấp dẫn, mang lại giá trị kinh tế cao, trồng ổi lê đang là mô hình được nhiều hộ trên địa bàn xã Hải Cường lựa chọn, thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Hiện tại, xã Hải Cường có khoảng 200 hộ trồng ổi lê, trong đó có 20 hộ trồng sạch theo mô hình hữu cơ. Đồng chí Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Cường cho biết: “So với trồng lúa hay trồng rau màu, trồng ổi lê cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần mà tốn ít công chăm sóc và vốn đầu tư lại thấp. Hiện, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng ổi để tăng thu nhập, đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin