Nhiều mô hình nuôi ếch hiệu quả

08:27, 16/07/2024

Với phương châm “ly nông, không ly hương”, quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong đó có mô hình nuôi ếch thương phẩm, sản xuất ếch giống nhằm phát triển đa dạng các đối tượng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tham quan mô hình nuôi ếch của gia đình anh Ninh Văn Tài, ở xã Hải Sơn (Hải Hậu).
Tham quan mô hình nuôi ếch của gia đình anh Ninh Văn Tài, ở xã Hải Sơn (Hải Hậu).

Ếch được biết đến là loại động vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều diện tích. Nắm bắt được nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, từ năm 2004, anh Ninh Văn Tài ở xã Hải Sơn (Hải Hậu) đã mạnh dạn mua 10 nghìn ếch giống về nuôi thử. Vì chưa có kinh nghiệm nên đàn ếch nuôi bị chết. Không nản chí, anh rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước và tiếp tục mua 20 nghìn ếch giống về nuôi tiếp. Với những kinh nghiệm thực tế đúc kết được, lứa ếch này phát triển khỏe mạnh, anh thu về 5 tấn ếch thịt thương phẩm. Nhận thấy hiệu quả đàn ếch mang lại, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình đồng thời đi học hỏi thực tế các mô hình nuôi thương phẩm và sản xuất ếch giống ở Hà Tĩnh với mong muốn có thể tự mình nhân giống đàn ếch, vừa để phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình, vừa mong muốn đem nguồn giống chất lượng cho người dân có nhu cầu nuôi ở địa phương. Để có những con ếch giống đảm bảo, anh Tài lựa chọn ếch giống bố mẹ khỏe mạnh và nuôi theo chế độ đặc biệt rồi tiếp tục chọn lọc một lần nữa. Theo kinh nghiệm của anh Tài, ếch sinh sản mỗi năm 2 lần, vào đầu và cuối mùa mưa. Ếch bố mẹ sau khi nuôi từ 10 đến 12 tháng sẽ bắt đầu phối giống. Bình quân 10 cặp ếch giống sẽ nở khoảng 10 nghìn con ếch con và tỷ lệ sống đến khi xuất bán trên 80%. Anh Tài chia sẻ: “Tôi luôn duy trì khoảng 600 cặp ếch bố mẹ, trung bình mỗi năm cho ra từ 300 đến 400 nghìn ếch giống. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng”. Nhiều năm qua, cơ sở sản xuất ếch giống và ếch thương phẩm của anh Tài trở thành địa chỉ uy tín được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.

CLB nuôi ếch xã Hải Ninh (Hải Hậu) hiện có 15 thành viên, tham gia hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi ếch, cung ứng con giống, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Để CLB hoạt động hiệu quả, các hội viên trong CLB thường xuyên trao đổi những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm kỹ thuật. Nhờ hợp tác sản xuất, các thành viên trong CLB đã tạo ra sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Thành viên Nguyễn Văn Cường có khoảng 20 bể nuôi ếch, mỗi bể có diện tích khoảng 10m2. Hàng năm, ông Cường nuôi 2 vụ, mỗi vụ khoảng 50 đến 100 nghìn con ếch thương phẩm; vụ đầu từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, sau đó tiếp tục nuôi vụ 2, thu nhập bình quân đạt khoảng 120 triệu đồng/năm; thị trường tiêu thụ chủ yếu là tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hà Nội. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ếch, ông Cường cho biết, sau khi thả ếch giống được 7-9 ngày sẽ lựa chọn những con ếch lớn vượt đàn đem nuôi riêng để tránh tình trạng ếch lớn ăn thịt ếch bé. Vì nuôi ếch trong bể xi măng nên có thể trực tiếp theo dõi, kiểm soát được tình trạng của ếch, sớm phát hiện dịch bệnh để kịp thời chữa trị. Đặc biệt, phải thay nước liên tục 1-2 lần/ngày nên nguồn nước luôn đảm bảo sạch sẽ. Trước khi thả ếch ông Cường chú trọng dọn dẹp vệ sinh, cọ rửa kỹ bể nuôi, dùng muối và phèn chua làm sạch bể; đến khi kết thúc vụ nuôi đầu sẽ cải tạo bể bằng vôi bột, tuyệt đối không sử dụng hóa chất.

Ông Nguyễn Văn Bảy là hộ nuôi ếch hiệu quả cao ở xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Năm 2011, sau khi đi tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi ếch Thái Lan tại Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, ông Bảy đã học hỏi, tham khảo các nguồn tài liệu, nắm bắt được kỹ thuật và quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi ếch. Từ hiệu quả ban đầu, năm 2016, ông vay thêm vốn, thuê thêm đất thuộc khu ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả của xã làm trang trại nuôi ếch sinh sản, ốc, cá truyền thống với quy mô 2,9ha; trong đó riêng nuôi ếch hiện có 56 bể nuôi với tổng diện tích trên 720m2. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Bảy xuất bán khoảng 300 nghìn con ếch giống. Một vài năm trở lại đây, trang trại chăn nuôi tổng hợp của chị Trần Thị Thu Liên, ở xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã đưa thêm con ếch vào nuôi và đem lại kinh tế ổn định. Chị đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi ếch quanh vùng và tham khảo trên sách báo, mạng internet về kỹ thuật chăn nuôi rồi cải tạo lại chuồng trại để nuôi ếch. Chị Liên cho biết, qua tìm hiểu được biết, ếch là con giống rất dễ nuôi, sản phẩm thịt thơm ngon, bổ dưỡng, không mất công chăm sóc nhiều và mang lại thu nhập ổn định. Sau nửa năm lứa ếch đầu tiên, đến nay mô hình của gia đình đã mở rộng 150m2 diện tích nuôi ếch với số lượng khoảng 3.000 con.

Không nuôi riêng ếch như nhiều hộ chăn nuôi khác, gia đình ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) lại chọn nuôi ếch kết hợp nuôi cá trê. Chia sẻ lý do lựa chọn mô hình này, ông Minh cho biết, đây là hai sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiềm năng, công việc chăn nuôi, chăm sóc khá dễ, tỷ lệ thành công cao. Theo cách làm này, cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch bên trên, giúp giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và dịch bệnh xảy ra, tăng hiệu quả kinh tế. Mỗi vụ thả nuôi, gia đình ông thu về từ 2,5-3 tấn cá trê đồng thời xuất bán hơn 6 tạ ếch, trừ chi phí mỗi năm có thu nhập từ 200-250 triệu đồng. 

Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, nuôi ếch đang là một trong những mô hình hiệu quả được lựa chọn của nhiều người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com