Ngành Ngân hàng chung tay kiến tạo nông thôn mới giàu đẹp

08:27, 04/07/2024

Tích cực thi đua xây dựng, kiến tạo nông thôn Nam Định trở thành vùng quê đáng sống, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã xác định đẩy mạnh cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các ngân hàng, TCTD chú trọng mở rộng mạng lưới hoạt động đến các huyện, xã; từng bước cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn; ưu tiên cho vay vốn phục vụ các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh và tiêu dùng.

Làng nghề sản xuất chăn, ga, gối tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).
Làng nghề sản xuất chăn, ga, gối tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, ngành Ngân hàng phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các chương trình tín dụng đặc thù nhằm đưa vốn về nông thôn. Trong đó, quan tâm cho vay các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, được tỉnh khuyến khích, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng mô hình liên kết, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM... Ngành Ngân hàng tỉnh còn dành nguồn vốn thỏa đáng để cho vay các dự án trực tiếp hướng đến mục tiêu xây dựng NTM như cho vay hộ sản xuất, kinh doanh, cho vay làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm điện, xây dựng nhà ở, chợ, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Dư nợ cho vay chương trình xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm. Doanh số cho vay 204 xã, thị trấn xây dựng NTM lũy kế hết quý I năm 2024 đạt 21.738 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 21.018 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 59.542 tỷ đồng; trong đó dư nợ vốn vay ngắn hạn 45.817 tỷ đồng, vốn vay trung hạn 11.682 tỷ đồng, dài hạn 2.043 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,35% trong tổng dư nợ cho vay đối với xã xây dựng NTM. Tổng số  227.543 khách hàng (226.753 hộ dân, 786 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã) còn dư nợ.

Là xã có thế mạnh về sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lớn trên địa bàn tỉnh, xã Hải Minh (Hải Hậu) đã thu hút vốn của rất nhiều các TCTD trên địa bàn như Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân Hải Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietinbank, BIDV… Chỉ trong 3 tháng đầu năm, doanh số cho vay của các TCTD trên địa bàn xã đạt hơn 481 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 1.418 tỷ đồng với 1.991 hộ dân, 17 doanh nghiệp còn dư nợ. Từ nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp, gia đình tại xã đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu tiến nhanh, bền vững. Đến nay, toàn xã đã có 16/21 đơn vị xóm được công nhận xóm NTM kiểu mẫu và xóm cơ bản đạt xóm NTM kiểu mẫu, có 1 đơn vị là xóm 4 được công nhận xóm văn hóa kiểu mẫu. Xã Hải Minh phấn đấu kết thúc năm 2024 đạt xã NTM kiểu mẫu.

Có thể thấy rằng, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư tín dụng đối với khu vực nông thôn được điều chỉnh hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng được tập trung vào cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Tại những xã có sử dụng vốn vay ngân hàng lớn, có thể thấy rõ kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Đến nay toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%) và 34/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 18%). Huyện Giao Thủy đã hoàn thành hồ sơ thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023.

Tuy nhiên, hiệu quả vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các TCTD cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế do nhiều hộ dân chưa mạnh dạn tìm kiếm và được đầu tư khoa học công nghệ nên năng suất lao động thấp, giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, thị trường tiêu thụ không ổn định… gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vay vốn và trả nợ ngân hàng. Hiệu quả cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dù được ngành Ngân hàng khuyến khích, hỗ trợ nhưng quy mô cho vay theo mô hình này còn hạn chế. Nguyên nhân là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong chuỗi, các định chế tài chính đầu tư và ngân hàng; việc cam kết, tuân thủ hợp đồng của người nông dân còn yếu; quy trình sản xuất chất lượng chưa được tuân thủ chặt chẽ cũng khiến việc phát triển cho vay theo chuỗi chưa được như kỳ vọng.

Để tiếp lực xây dựng nông thôn Nam Định ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp hơn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các văn bản, cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia trong ngành ngân hàng; Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng Nam Định hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Tăng cường công tác tuyên truyền các cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng NTM trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chủ động trong quan hệ tín dụng với các TCTD. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai Nghị quyết 53/NQCP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, bố trí nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ; cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng trên địa bàn nông thôn (hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng của các dự án chuyên đề của Chương trình xây dựng NTM). Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho khách hàng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng, TCTD với chính quyền địa phương... Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp và ký kết nội dung ủy thác, phối hợp với các đoàn thể để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kiểm soát cấp tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com