Ngày 20/7 vừa qua, Tập đoàn Chung Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) đã có buổi làm việc, xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nam Định. Đây là Tập đoàn quy mô toàn cầu, đã đầu tư các cơ sở sản xuất tại Thung lũng Silicon (Mỹ), Thụy Sỹ, Vương quốc Anh, tại Việt Nam Tập đoàn có 2 chi nhánh tại tỉnh Bắc Giang. Tập đoàn đã nhận được nhiều giải thưởng và thành tựu tiêu biểu, đáng kể đã được các Tập đoàn sản xuất thiết bị công nghệ điện tử lớn, thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple… chấp thuận nằm trong nhóm danh sách nhà cung cấp tiêu biểu số 1… Hiện Tập đoàn Chung Nam đã trở thành đối tác của nhiều thương hiệu công nghệ điện tử lớn như Samsung, Apple, Huawei, CRE, BOEV. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Tập đoàn Chung Nam Hồ Tiểu Phong thì Tập đoàn đã tìm hiểu rõ về các thế mạnh của Nam Định trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ điện tử, công nghệ số như dân số đông gần 2 triệu người, nguồn nhân lực trẻ dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số); trong đó lao động có tay nghề, trình độ cao chiếm tỷ lệ lớn; có truyền thống chất lượng giáo dục và đào tạo phổ thông giúp chủ động nguồn nhân lực có tri thức, tư duy, có phương pháp làm việc khoa học, có khả năng thích ứng nhanh với biến đổi của môi trường làm việc. Ngoài ra tỉnh sẵn sàng các điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất như hạ tầng khu công nghiệp được quy hoạch, đầu tư hiện đại, đồng bộ, chú trọng đáp ứng các quy chuẩn về xử lý chất thải công nghiệp; chủ động hạ tầng điện phục vụ sản xuất; đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện đến các khu vực trọng điểm kinh tế của Việt Nam. "Đặc biệt, trước khi đến Nam Định, chúng tôi được rất nhiều doanh nghiệp quảng bá về tinh thần tận tình hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết thuận lợi, nhanh chóng mọi thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng. Vì vậy Tập đoàn Chung Nam đã quyết định tiếp cận để xúc tiến mở rộng quy mô đầu tư tại Nam Định một nhà máy sản xuất: Cụm camera, mắt kính trước và sau của điện thoại, dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 50 triệu USD".
Tập đoàn Quanta sẽ đưa nhà máy số 1 tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận đi vào sản xuất từ tháng 11/2024. |
Bên cạnh đó, để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh đã chủ động ban hành hệ thống văn bản quy định cơ chế, chính sách tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư tại Nam Định.
Nhờ đó, đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế đã tiến hành việc khảo sát tiềm năng, nghiên cứu, đầu tư các dự án phát triển công nghiệp công nghệ số tại Nam Định. Tập đoàn Quanta Computer Inc., của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư nhà máy sản xuất máy tính quy mô lớn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Dự kiến tháng 11 năm nay, nhà máy số 1 quy mô sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn sẽ đi vào sản xuất chính thức. Hiện Tập đoàn Quanta đang thực hiện các bước đầu tư tiếp theo lộ trình tăng năng lực sản xuất vào năm 2025 đạt 2,6 triệu máy, năm 2026 đạt 3,6 triệu máy, năm 2027 đạt 4 triệu máy, năm 2028 đạt 4,5 triệu máy. Đây là dấu ấn tích cực của tỉnh trong thu hút các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đầu tư công nghệ cao, công nghệ số và là tiền đề từng bước hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế số của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 150 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ phần cứng điện tử. Các doanh nghiệp này chủ yếu bán sản phẩm phụ kiện phần cứng và lắp ráp máy tính, với quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu được bán trong tỉnh; chưa có các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy tính, thiết bị điện tử và văn phòng đại diện của các doanh nghiệp phần mềm đặt trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, tỉnh cũng chủ động nhận diện các hạn chế của khối doanh nghiệp nội tỉnh như chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp tiềm năng lớn về kinh tế để có thể đầu tư, phát triển chuyên sâu trên các lĩnh vực công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Từ đó, tỉnh khuyến cáo các doanh nghiệp nội tỉnh phải chủ động đầu tư máy móc, thiết bị, con người để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần tạo sự phát triển tương tác giữa nhu cầu tiêu dùng và sức phát triển sản xuất, tăng giá trị kinh tế, lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghiệp CNTT.
Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất tỉnh xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, đặc biệt để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số về hạ tầng, mặt bằng, tín dụng, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp CNTT. Chủ động, tích cực sử dụng sản phẩm và dịch vụ công nghệ số “Make in Vietnam” vào hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, góp phần kích cầu, tạo thị trường để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đạt được bước tiến mới trong thu hút các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu của Việt Nam và thế giới vào đầu tư vào tỉnh, làm cơ sở từng bước hình thành các khu công nghiệp công nghệ số chất lượng cao tại địa bàn, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin