Nam Định: Quyết liệt cải thiện toàn diện, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn

08:35, 23/07/2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã duy trì ổn định và có bước phát triển trong bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới có nhiều biến động. Trong đó, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. So với cùng kỳ năm 2023, số dự án đầu tư gấp 3,4 lần, tổng số vốn đăng ký gấp 5,8 lần.

Cầu Đống Cao nối liền 2 huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng, kết nối giao thông hai bờ sông Đào đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác.
Cầu Đống Cao nối liền 2 huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng, kết nối giao thông hai bờ sông Đào đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác.

Cụ thể, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án, bao gồm 21 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 5.691,6 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. Trong đó: Cấp mới cho 21 dự án đầu tư (9 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 4.597,5 tỷ đồng và 123,8 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn 19 dự án đầu tư (12 dự án đầu tư trong nước và 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1.094,1 tỷ đồng và 25,1 triệu USD). Một số dự án có mức vốn đầu tư đáng kể như: Dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD tại Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh mở rộng (Vụ Bản); dự án Nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng); dự án của nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited (Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh) tại KCN Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Công nghệ XGIMI (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 30 triệu USD… Toàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 748 doanh nghiệp và 52 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 27.349,3 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 13.175 doanh nghiệp và 959 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 142.898 tỷ đồng.

Từ đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng

Đạt được kết quả kể trên, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến cải thiện môi trường, tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đáng kể, tỉnh đã tăng tốc, tạo đột phá trong thúc đẩy đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch và các KCN, cụm công nghiệp (CCN).

Tỉnh đã quyết liệt tháo gỡ nhanh "điểm nghẽn" về kết nối giao thông huyết mạch, liên vùng để gia tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Từ ngày 30/6/2024, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Đồng thời, tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ ưu tiên thúc đẩy đầu tư để kết nối đưa vào sử dụng hệ thống cầu hai tỉnh Ninh Bình, Thái Bình để bảo đảm tính liên thông kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy hiệu quả sử dụng của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Sau khi kết nối, tuyến đường ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương; đây là cơ hội rất lớn để thu hút nhiều dự án đầu tư lớn vào các khu kinh tế, KCN ven biển, từ đó sẽ khai thác, phát huy thuận lợi hơn những thế mạnh về biển. Đối với nhóm dự án giao thông huyết mạch, liên vùng, tỉnh cũng tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II; tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành các dự án xây dựng cầu Bến Mới, cầu Đống Cao, cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình; triển khai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường. Tỉnh cũng đôn đốc triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh Nam Định, Thái Bình; đề xuất Chính phủ cho phép Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý đến thành phố Nam Định. Các tuyến giao thông chiến lược kể trên khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ khắc phục được điểm yếu cốt lõi về giao thông kết nối của tỉnh trong suốt 2 thập kỷ vừa qua. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh cũng được chú trọng đầu tư, phát triển. Hiện tỉnh đang thúc đẩy tiến độ thi công các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); xây dựng cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B)... Loạt dự án mang tính đột phá kể trên giúp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ dần hoàn chỉnh với mạng lưới đường cao tốc thuận lợi kết nối đến các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng.

Cùng với hạ tầng giao thông, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu, CCN nhằm sẵn sàng về hạ tầng công nghiệp để cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đã tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, CCN: Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) quy mô 502,31ha; KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) quy mô 159ha; CCN Yên Bằng (Ý Yên) quy mô 50ha; CCN Thanh Côi (Vụ Bản) quy mô 50ha; khởi công dự án đầu tư hạ tầng CCN Giao Thiện (Giao Thủy) quy mô giai đoạn 1 khoảng 50ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 KCN và 24 CCN đã được thành lập; dự kiến đến năm 2030 có 16 KCN được hình thành với tổng diện tích khoảng 2.546ha và 70 CCN được hình thành với tổng diện tích 2.604ha. Hiện tại, các nhà đầu tư cũng được hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư hàng loạt khu, CCN trên địa bàn các huyện; tiêu biểu như tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Trung Thành (Ý Yên) quy mô 200ha; KCN Hồng Tiến (Ý Yên) quy mô 114ha; đang triển khai lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các KCN Hải Long (Giao Thủy) quy mô 1.100ha, Nam Hồng (Nam Trực) quy mô khoảng 200ha, Minh Châu (Nghĩa Hưng) quy mô khoảng 300ha, Xuân Kiên (Xuân Trường) quy mô 199ha. Trong định hướng lựa chọn, bố trí quỹ đất để đầu tư hạ tầng các khu, CCN đều thể hiện rõ mục tiêu gắn với các trục động lực và các tuyến hành lang phát triển của tỉnh cũng như cả vùng đồng bằng sông Hồng. 

Đồng hành, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Không chỉ tạo đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, 6 tháng đầu năm 2024, để nâng cao sức thu hút đối với nhà đầu tư Nam Định còn chủ động đồng hành và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất là về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật để các nhà đầu tư đưa các dự án sớm đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, trong đó không chỉ quan tâm tháo gỡ khó khăn mà còn chủ động tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cho người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đáng kể, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền chú trọng triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham dự các hội chợ triển lãm quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, để nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào cuộc, sát sao tiếp cận, nắm bắt thực tế những khó khăn thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư gặp phải; từ đó đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng thực thi các chính sách. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định và Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ công tác 874 chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, đề xuất phương án giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo giải quyết đối với những nội dung thuộc thẩm quyền các sở, ngành, các huyện, thành phố Nam Định; kiến nghị giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục pháp luật không có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính. Tích cực cải thiện vị trí của tỉnh trên các bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hiện nay, thời gian giải quyết TTHC về đầu tư tại tất cả các khâu đều được tỉnh nỗ lực rút ngắn so với quy định của Chính phủ; đều sử dụng dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; khi thực hiện TTHC nhà đầu tư chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha, dự kiến mở rộng thêm 35 nghìn ha sau năm 2030; từ đó sẽ tạo “cú huých” phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự kiến tạo, mở rộng không gian mới về phía biển với nhiều dư địa cho đầu tư, giúp các nhà đầu tư được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng tại khu kinh tế ven biển. Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu áp dụng các ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh cũng có chính sách ưu đãi đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng lực lượng lao động vừa có kỹ năng nghề cao vừa có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế...

Bằng việc không ngừng tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, chủ động hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách giúp Nam Định đang ngày càng được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn là điểm đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh các dự án trọng điểm.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



Khai thác từ Vị trí chiến lược

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com