Để sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng công nghiệp đón nhà đầu tư đến, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng phát triển thêm 10 Khu công nghiệp (KCN) ở giai đoạn 1, gồm: Hồng Tiến, Trung Thành (Ý Yên), Xuân Kiên, Lạc Xuân, Thượng Thành (Xuân Trường), Hải Long, Thịnh Tân (Giao Thủy), Nam Hồng (Nam Trực), Thắng Lợi (Vụ Bản), Minh Châu (Nghĩa Hưng), nâng tổng diện tích quy hoạch các KCN đến năm 2030 là 2.546ha. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN từ sớm; đặc biệt đối với nhóm các dự án mà doanh nghiệp đã có định hướng đầu tư; các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư trong mọi phần việc, từ xúc tiến, tiếp cận và thúc đẩy tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận đã sẵn sàng mặt bằng sạch, cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp. |
Tỉnh đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh phải tập trung dồn lực, phát huy tối đa trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phần việc liên quan, trong đó chú trọng bám sát hướng dẫn chỉ đạo và đề xuất, thúc đẩy tiến độ thông qua, phê duyệt các thủ tục từ các đơn vị liên quan cấp Trung ương. Tỉnh phân công đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng chủ trì, điều hành giải quyết các phần việc; đồng thời yêu cầu mỗi đơn vị sở, ban, ngành phải bố trí một đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên trách để chủ động xử lý các phần việc đảm bảo tiến độ đề ra.
Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 257/UBND-VP5 ngày 12/3/2024 về việc đồng ý chủ trương tổ chức lập quy hoạch xây dựng 6 KCN gồm: Hải Long (khoảng 1.100ha); Thịnh Tân (khoảng 400ha); Nam Hồng (khoảng 200ha); Thượng Thành (khoảng 395ha); Minh Châu (khoảng 300ha); Lạc Xuân (khoảng 210ha). Đối với 3 KCN đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng gồm Hải Long, Minh Châu, Nam Hồng, tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương triển khai, chịu trách nhiệm về tiến độ từng phần việc liên quan gồm: Lập quy hoạch chung các KCN, lập quy hoạch phân khu các KCN, lập hồ sơ đề xuất dự án, thẩm định và xin chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lễ khởi công thi công xây dựng công trình… Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các sở, ban, ngành để bàn bạc, xác định cụ thể các cơ chế chính sách có thể vận dụng, thống nhất các phần việc liên quan có thể tiến hành song song, đồng bộ nhằm cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục hành chính giúp đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cũng tổ chức các buổi làm việc với các nhà đầu tư các dự án để đôn đốc tiến độ thực hiện, nắm bắt và kịp thời thống nhất biện pháp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên quan điểm tỉnh sẽ hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các phần việc thuộc thẩm quyền địa phương với tiến độ nhanh nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật; sẵn sàng đồng hành với nhà đầu tư để thực hiện các phần việc liên quan đến các bộ, ngành Trung ương; riêng các phần việc có nhiều vướng mắc thì các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Trung ương để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết.
Tinh thần chủ động hỗ trợ, tận tình đồng hành cùng nhà đầu tư của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tạo động lực, niềm tin cho nhà đầu tư xúc tiến triển khai công việc để có thể sớm khởi công xây dựng các KCN trọng điểm theo Quy hoạch tỉnh trong thời gian sớm nhất. Theo chia sẻ của ông Lee Ark Boon, Tổng Giám đốc Sembcorp Development, đồng Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VSIP miền Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ của Việt Nam tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: “Tinh thần quyết liệt, hành động chuyên nghiệp trong hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh mà VSIP đã trực tiếp trải nghiệm trong thời gian tiếp cận, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư là yếu tố mấu chốt để Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam đi đến quyết định đầu tư thực hiện dự án xây dựng KCN Hải Long. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam tự tin trong quảng bá, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến Nam Định đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại KCN Hải Long sau khi hoàn tất xây dựng”. Không những thế, sau khi đánh giá hàng loạt các điểm mạnh của Nam Định về môi trường đầu tư, vị trí, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đại diện Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Công ty VSIP Việt Nam cũng khẳng định, ngoài dự án xây dựng KCN Hải Long, VSIP cũng mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ để VSIP có thể sớm triển khai mở rộng đầu tư xây dựng, phát triển một hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ để có thể kiến tạo tại Nam Định một VSIP thành viên có quy mô lớn nhất miền Bắc. Đại diện Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Công ty VSIP Việt Nam cũng cam kết tích cực phối hợp với tỉnh khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan trong năm 2024, phấn đấu khởi công dự án trước thời điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030. Hiện VSIP đang quyết liệt cùng với các sở, ban, ngành chức năng và huyện Giao Thủy tập trung triển khai công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư xây dựng KCN Hải Long để trình duyệt.
Cùng với các KCN được khởi động thủ tục đầu tư trong năm 2024, tỉnh cũng chỉ đạo nỗ lực hoàn thiện thủ tục để sớm đưa vào khởi công xây dựng các dự án đã thúc đẩy đầu tư trước đó. Trong đó, đến tháng 5/2024 hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trung Thành (Ý Yên) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Trên cơ sở ý kiến bổ sung về khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích đất trồng lúa để thực hiện dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1510/BNNPTNT ngày 4/3/2024; của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1795/BTNMT-KHTC ngày 22/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trung Thành.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN đang đầu tư để gia tăng tính chủ động, sẵn sàng về quỹ đất công nghiệp cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ngoài hàng rào các KCN; quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng xã hội ở các địa bàn có KCN, đã có doanh nghiệp hoạt động hoặc nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành lĩnh vực cấp điện, cấp nước, thông tin, viễn thông… tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư theo hợp đồng giữa các bên. Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng các KCN được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để tăng nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các KCN.
Bằng các biện pháp đồng bộ thể hiện quyết tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Nam Định đang nỗ lực đột phá, hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đứng chân hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin